“Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”

GD&TĐ - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học quốc tế khai mạc tại Hà Nội ngày 8/8. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cùng tham dự Hội thảo.

“Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”

Dự Hội thảo còn có đại diện các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Nga, Canada, Nhật Bản, Cộng hòa Séc... Hội thảo do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn chịu hậu quả của bom mìn, chất độc da cam. Đặc biệt, chất độc da cam đã gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài. “Chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Tôi đã trực tiếp đến thăm một gia đình có cả 3 thế hệ là nạn nhân của chất độc da cam, còn có gia đình di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nhấn mạnh việc giải quyết hậu quả chất độc dioxin là vấn đề lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng “phải tăng cường hợp tác, phải bằng tiếng nói của khoa học, của lương tâm, của sự thật để không còn chiến tranh, để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc dioxin được hỗ trợ, được trả lại công bằng”.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có lương tri, đã và đang ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, cũng như nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hoan nghênh, đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức Hội thảo này.

Phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đều khẳng định, khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn, như: Tiếp tục điều tra, đánh giá chính xác hậu quả; tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm ở các khu vực còn tồn lưu cao dioxin; hạn chế tối đa số người bị phơi nhiễm mới và di chứng sang các thế hệ; phương pháp chữa trị bệnh tật; hoàn thiện chính sách, chăm sóc giúp đỡ, cải thiện đời sống nạn nhân chất độc da cam; cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân trong bối cảnh mới... Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, giải quyết những vấn đề trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam và sự giúp sức của quốc tế.

Tại Hội thảo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ: “Tôi đã trở nên quen thuộc hơn với các vấn đề chất độc da cam vào dịp tháng 10/2013, khi tôi thăm Bệnh viện quốc tế Phúc Lâm ở Hà Nội. Tại đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em bị tổn thương bởi chất độc da cam. Đối với bản thân là Chủ tịch của Hiệp hội Yuai Nhật Bản và Viện Cộng đồng Đông Á, tôi tự hỏi: Nếu có được một cách nào đó, tôi có thể giúp đỡ những trẻ em này?”.

Trong hai năm qua, ông đã thu xếp và trao tặng 50 xe lăn cho bệnh viện với hy vọng giúp những trẻ em vận động được, tiếp xúc được nhiều hơn với thế giới bên ngoài.

Theo cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, “việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản, cùng với các phương tiện khác để hỗ trợ tích cực cho việc tẩy độc dioxin tại Việt Nam sẽ là một phương tiện nhân văn tuyệt vời để có sự hợp tác có ý nghĩa giữa hai nước chúng ta”.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, từ 8 - 9/8. Các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận 2 nội dung chuyên đề: Chuyên đề môi trường, độc học, sinh thái; Chuyên đề y tế và sức khỏe cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...