Nghiên cứu khoa học là một trong những công việc bắt buộc mà mỗi giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải thực hiện, như quy định về nhiệm vụ của giảng viên đại học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Út, tiêu chuẩn đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiệm cận với tiêu chuẩn tại các ĐH tốt nhất của thế giới.
Cụ thể, sản phẩm nghiên cứu của giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng được phân ra hai nhóm.
Đối với nhóm nghiên cứu dụng (chỉ xem xét đối với những chuyên ngành đặc thù khó công bố ISI/Scopus), sản phẩm phải là các đề tài nghiên cứu ứng dựng giải quyết vấn đề trong thực tiễn và được chuyển giao phục vụ cuộc sống.
Đối với nhóm nghiên cứu cơ bản, sản phẩm phải là những công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus uy tín.
“Xin nhấn mạnh là có hàng ngàn tạp chí trong danh mục ISI/Scopus không được công nhận bởi Trường ĐH Tôn Đức Thắng” – TS Lê Văn Út cho hay.
Dù giảng viên thực hiện hướng nghiên cứu nào thì yêu cầu tiên quyết vẫn là giảng viên tự nâng cao được năng lực thông qua những kết quả nghiên cứu đó, và từ đó chất lượng đào tạo của nhà trường sẽ tăng lên, đây là quá trình chuyển giao quan trọng nhất của nghiên cứu của giảng viên.
Ngoài ra, TS Lê Văn Út cho biết, tất cả giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài.
Việc tổ chức và tham dự các hội thảo khoa học quốc tế, cũng như việc đi nghiên cứu ngắn hạn tại các cơ sở nghiên cứu uy tín của thế giới là những việc được lên kế hoạch rất cụ thể tại từng khoa và từng giảng viên.
Ngoài ra, giảng viên nhà trường cũng được tài trợ nghiên cứu từ quỹ nghiên cứu của Trường, trong đó kinh phí có thể được dùng cho các chi phí nghiên cứu và quan trọng và được khuyến khích dùng để cấp học bổng cho các nghiên cứu sinh tiến sỹ/sau tiến sỹ hoặc được dùng để tài trợ cho các chuyên gia trên thế giới đến làm việc ngắn hạn tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Chính những hoạt động phong phú, đa dạng và tiếp cận thông lệ quốc tế trong nghiên cứu khoa học của nhà trường đã làm cho giảng viên cảm thấy nghiên cứu khoa học chính là cơ hội tốt để họ phát triển.
Ngoài ra, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn xây dựng một chính sách thu nhập cho giảng viên theo hướng khuyến khích nghiên cứu để giảng viên thấy được nghiên cứu không chỉ là nhiệm vụ mà còn là xây dựng thương hiệu và quyền lợi cụ thể; sản lượng và chất lượng nghiên cứu càng tốt thì lương càng cao.
“Theo quy định thì nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ mà giảng viên phải thực hiện. Ngoài việc làm cho giảng viên hiểu rõ trách nhiệm của họ thì cũng phải giúp họ hiểu rõ sứ mạng của một giảng viên ĐH.
Bản chất của ĐH là phải gắng liền với nghiên cứu vì có nghiên cứu thì mới có cái mới để dạy và hướng dẫn cho sinh viên từ cử nhân cho đến tiến sỹ; một giảng viên không thực hiện nghiên cứu theo chuẩn mực thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.
Hơn nữa, chính nghiên cứu khoa học giúp giảng viên nâng cao năng lực và xây dựng thương hiệu cho chính bản thân.
Một khi giảng viên ngộ ra được những điều này thì tự thận họ sẽ phải quyết liệt nghiên cứu và còn phải nghiên cứu có chất lượng, chứ không nhất thiết ép buộc họ” – TS Lê Văn Út chia sẻ.