Đánh giá người học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Ngày 14/12, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo 'Đánh giá người học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục'.

Toàn cảnh phiên thảo luận buổi chiều của hội thảo.
Toàn cảnh phiên thảo luận buổi chiều của hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, đánh giá kết quả của người học theo quá trình, hoặc theo mỗi giai đoạn học tập là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học về năng lực.

“Việc này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của người học, hướng tới đánh giá vì sự tiến bộ của người học” - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi và cho biết, tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, việc đổi mới công tác kiểm tra đánh giá người học đã, đang thực hiện thường xuyên, liên tục, chuẩn hóa và cập nhật.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, đánh giá người học được quan tâm cả ở khu vực lí luận chung, đi vào từng bậc học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học và sau đại học.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu khai mạc.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu khai mạc.

Trong tham luận của mình, GS.TS Nguyễn Công Khanh – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt vấn đề về đánh giá học sinh phổ thông theo cách tiếp cận năng lực và đưa ra một số giải pháp để đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy – học.

Theo GS.TS Nguyễn Công Khanh, kiểm tra đánh giá là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học, vì khi tiến hành hoạt động này, giáo viên xác định rõ mục tiêu của bài học, nội dung, phương pháp và kỹ thuật tổ chức dạy học phù hợp với người học; làm sao để đạt chất lượng, hiệu quả theo mục tiêu và chuẩn đầu ra.

“Đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy quá trình khác như: đổi mới phương pháp dạy học, công tác quản lý….” - GS.TS Nguyễn Công Khanh nhìn nhận.

Nhấn mạnh, đánh giá người học là khâu quan trọng của quá trình dạy học; TS Hoàng Văn Thái – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nhìn nhận, dù các cơ sở giáo dục, đào tạo đã và đang nỗ lực đổi mới, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều bối rối.

Trên cơ sở chủ trương đổi mới giáo dục, TS Hoàng Văn Thái trao đổi một số vấn đề về đánh giá người học, triết lý đánh giá phát triển năng lực người học và định hướng đổi mới đánh giá trong dạy học nói chung và dạy học tiếng Anh du lịch.

Ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại hội thảo.

Ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, vấn đề đánh giá thế nào cần được thảo luận, đồng thời cần làm rõ các hoạt động đánh giá ở bậc phổ thông và đại học, sau đại học.

Với sinh viên sư phạm, khi ra trường các em sẽ tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018; từ đó áp dụng những kiến thức, khoa học mới vào thực tế giảng dạy.

Ông Sái Công Hồng bày tỏ, với sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục có những hoạt động, những nghiên để tham vấn cho cơ quan chức năng liên quan; từ đó có hiệu quả trong hoạt động đánh giá người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức nhận được 98 bài viết khoa học và báo cáo trình bày của các học giả, nhà khoa học, giáo dục trong và ngoài Trường ĐH Thủ đô. Các tham luận cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong nghiên cứu, điều chỉnh chương trình đào tạo, tổ chức thực hiện các khâu trong quá trình đánh giá người học.

Hội thảo gồm 1 phiên toàn thể buổi sáng và 4 phiên song song buổi chiều. Tại đây, các nhà khoa học, quản lý giáo dục tham góp những ý kiến nhằm làm rõ những vấn đề về lí luận và thực tiễn trong công tác đánh giá người học. Qua đó, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng nhu cầu xã hội và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục của thời kì hội nhập. Từ đó, giúp nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.