Cô Đoàn Thị Kim Tuyến - Trường Tiểu học Đoàn Kết, giáo viên tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng: 4 ưu điểm nổi bật
Hiện nay, đối với tiểu học đang sử dụng nhiều chương trình dạy học khác nhau như: Chương trình hiện hành (cải cách giáo dục), chương trình VNEN, chương trình lớp 1 (công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại); một số trường tiểu học sử dụng cùng lúc 3 chương trình như đã nêu trên.
Cách đánh giá mới tránh việc phân biệt giữa các đối tượng học sinh trong lớp thông qua các điểm số
Nói như thế để thấy được mỗi một chương trình có cách đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh khác nhau, nhưng tựu trung lại, chủ yếu vẫn là đánh giá bằng định tính (nhận xét) và đánh giá bằng định lượng hoặc kết hợp cả hai.
Vừa qua Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo thông tư đánh giá học sinh tiểu học mới, thay thế cho Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009.
Theo tôi, thông tư đánh giá mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với việc đánh giá học sinh tiểu học:
Thứ nhất: Tránh việc phân biệt giữa các đối tượng học sinh trong lớp thông qua các điểm số (cả học sinh và phụ huynh học sinh). Bởi khi đánh giá kết quả học tập thường xuyên của học sinh bằng điểm số thể hiện rõ mức độ học tập đạt được của các em dễ gây sự tự ti, mặc cảm với những học sinh yếu, kém; ngược lại những học sinh giỏi, khá dễ tạo ra tính chủ quan, ỷ lại không nỗ lực ở một số em.
Thứ hai: Tạo điều kiện cho học sinh tự đánh giá bản thân và đánh giá bạn bè một cách rõ nét thông qua việc bình bầu những cá nhân nổi trội trong lớp, trong nhóm học tập.
Thứ ba: Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy các môn học khác được hội ý thống nhất đánh giá kết quả học tập, phẩm chất của học sinh vào cuối kì I và cuối năm học thể hiện việc đánh giá học sinh càng khách quan và đúng đắn hơn.
Thứ tư: Việc tổ chức nghiệm thu, bàn giao học sinh của giáo viên dạy lớp dưới cho giáo viên lớp trên thông qua việc cùng kiểm tra, nghiệm thu chất lượng học tập của học sinh cuối năm đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm nêu cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp với học sinh của mình.
Tuy vậy việc đánh giá học sinh theo tinh thần thông tư mới này cũng có những khó khăn như:
Áp lực đối với giáo viên rất lớn khi phải nhận xét học sinh trong từng tuần, từng tháng,…;
Thời gian ghi nhận xét cho học sinh vào bài làm, vào sổ theo dõi chiếm nhiều thời gian mà thời gian đối với giáo viên tiểu học rất ít, dạy nhiều tiết (20 - 23 tiết/ tuần) và còn thời gian dành cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường như thao giảng, dự giờ, nghiện cứu, sinh hoạt chuyên môn, …
Vì vậy, đề nghị các cấp lãnh đạo nghiên cứu hồ sơ đánh giá cũng như qui trình sao cho hợp lí tránh rườm rà, không hiệu quả mà mất thời gian.
Về khen thưởng, theo tinh thần của dự thảo thông tư, khen thưởng bằng việc Hiệu trưởng cấp giấy khen cho học sinh thì nên xem xét; bởi học sinh tiểu học ngoài việc cấp giấy khen nên thưởng cho các em bằng hiện vật để động viên, khích lệ cho học sinh, giúp cho học sinh phấn đấu, nỗ lực hơn.
Cô Lê Thị Vy - Trường tiểu Nguyễn Thị Minh Khai - giáo viên tiêu biểu tỉnh Quảng Trị: Cách đánh giá mới giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học
Cách đánh giá mới đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan và đánh giá toàn diện về mức độ đạt chuẩn kiến thức kĩ năng và một số biểu hiện về năng lực và phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục. Đánh giá coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh; kết hợp đánh giá của giáo viên với cha mẹ học sinh, tự đánh giá của học sinh.
Nội dung đánh giá toàn diện thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn
Cách đánh giá mới giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; trong đó đánh giá giáo viên là quan trọng nhất; đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Việc đánh giá này giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
Việc học sinh tham gia đánh giá và tự đánh giá, học sinh được tranh luận, giải đáp, được bày tỏ những suy nghĩ của bản thân với các thành viên giúp các em tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình trước các bạn, thầy cô, và tập thể lớp…
Phụ huynh cùng đánh giá học sinh làm cho phụ huynh thấy được tầm quan trọng của mình trong quá trình học tập và giáo dục con em. Thông qua những lời nhận xét của giáo viên, phụ huynh nắm rõ việc học tập của con em mình trên lớp. Từ đó điều chỉnh việc học tập và rèn luyện giúp các em phát triển toàn diện.
Tuy nhiên với cách đánh giá mới này có thể gặp khó khăn khi thực hiện:
Về giáo viên: Để ghi đầy đủ những lời nhận xét vào vở hoặc vào phiếu về những nội dung làm được và chưa làm được đối với từng học sinh thì sẽ gây áp lực về thời gian cho giáo viên.
Hồ sơ đánh giá học sinh gồm: Sổ tổng hợp đánh giá; sổ theo dõi đánh giá học sinh; phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của phụ huynh...., nên ngoài công việc giảng dạy giáo viên phải làm nhiều loại hồ sơ.
Về việc học sinh tham gia đánh giá: Các em tuổi nhỏ nên việc đánh giá còn mang cảm tính nên chưa chính xác, tính khách quan chưa cao. Cần có sự định hướng và điều chỉnh của giáo viên.
Nội dung đánh giá thường xuyên có sự tham gia của phụ huynh học sinh, như vậy phụ huynh có nhiều cơ hội để trao đổi với giáo viên về chuyện học của con em mình.
Tuy nhiên vẫn có nhiều phụ huynh khoán trắng việc học của con mình cho nhà trường nên khó mà phối hợp với giáo viên trong quá trình nhận xét, đánh giá kết quả học tập của các em.
Chưa kể phụ huynh ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc tham gia đánh giá của phụ huynh cũng có khó khăn.