GS Lâm Quang Thiệp: Phù hợp cho kỳ thi đánh giá quy mô lớn
Hình thức thi này khắc phục được nhiều hạn chế của thi tự luận như: Đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh thay vì chỉ đánh giá được một vài phần kiến thức của thi tự luận; học sinh phải học toàn diện thay vì học tủ - thi tủ như thi tự luận. Đặc biệt, việc chấm thi trắc nghiệm bằng máy sẽ khách quan, chính xác hơn chấm thi tự luận do phụ thuộc vào khả năng chuyên môn của người chấm.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học |
“Chất lượng của hình thức thi trắc nghiệm được quyết định bằng chất lượng của đề thi, mà đề thi khi đầu tư nhiều thời gian sẽ có thể làm tốt. Nhưng chất lượng thi tự luận lại phụ thuộc vào năng lực của người chấm thi. Đối với kỳ thi như thi THPT quốc gia, ta không thể có được đội ngũ 100% người chấm có trình độ chuyên môn cao để chấm được hàng triệu bài thi một cách chất lượng trong một thời gian ngắn. Do đó, thi trắc nghiệm với bài thi chấm bằng máy tính sẽ là lựa chọn phù hợp hơn”, GS Lâm Quang Thiệp nói.
Ngoài ra, khi thi tự luận, do trình độ người chấm khác nhau nên buộc phải làm thang điểm tỉ mỉ bằng cách chia nhỏ bài thi thành nhiều ý để đếm ý tính điểm. Với cách chấm này, theo GS Lâm Quang Thiệp, chẳng khác nào biến một đề tự luận có thể tốt thành một đề trắc nghiệm tồi. Bởi lẽ, trắc nghiệm chính là cách đếm ý để tính điểm, nhưng đề thi được thiết kế ngay từ đầu lựa chọn ý nào, cấp độ khó dễ thế nào.
“Tóm lại, với một kỳ thi quy mô lớn, hình thức thi tự luận không bao giờ tạo chất lượng tốt được”, GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh. Ông đồng thời lưu ý rằng, việc chọn hình thức thi nào phụ thuộc vào mục tiêu của kỳ thi. Thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học là kỳ thi phân loại thô, chọn hình thức trắc nghiệm và một phần nhỏ tự luận (nếu cần thiết) là thích hợp, còn thi Olympic Toán học để tuyển chọn nhân tài thì không nên dùng hình thức trắc nghiệm.
Để việc thi Toán THPT quốc gia được tốt hơn, GS Lâm Quang Thiệp kiến nghị, song song với những câu hỏi trắc nghiệm có sẵn đáp án để thí sinh lựa chọn, đề thi có thể bổ sung các câu hỏi để thí sinh tự điền đáp án, và có thể thêm vài câu tự luận ngắn để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề.
TS Phạm Xuân Thanh: Không làm mất tư duy logic Toán học
TS Phạm Xuân Thanh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, không có chuyện thi trắc nghiệm làm mất đi tư duy logic Toán học của học sinh. Bởi lẽ, để xác định đáp án đúng cho các câu hỏi, nhất là những câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao thì buộc học sinh vẫn phải giải một số bước của bài toán nhưng không nhất thiết là trình bày đầy đủ theo trình tự từng bước như thi tự luận trước đây.
TS Phạm Xuân Thanh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) |
“Từ dữ liệu đề thi, thí sinh có thể giải nhanh một số bước để định hình đáp án đúng; đó là tư duy nhận biết nhanh đáp án đúng của học sinh. Các em cũng có thể dùng khả năng phán đoán để lọc ra những câu trả lời sai rồi vận dụng khả năng giải quyết vấn đề để giải một số bước và cho ra đáp án chính xác cuối cùng. Đây chính là tư duy logic Toán học - điều không thể thiếu để lựa chọn được đáp án đúng trong thi trắc nghiệm môn Toán”, TS Phạm Xuân Thanh nói.
Theo ông Thanh, từ lâu nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm bởi ưu điểm đánh giá khách quan và đánh giá được nhiều năng lực của người học. Với một kỳ thi đánh giá diện rộng và đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông như thi THPT quốc gia của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng thi trắc nghiệm là phù hợp.
Bởi lẽ, đề thi của kỳ thi này không chỉ tập trung vào một hoặc một vài chủ đề trong chương trình môn học. Đây là vấn đề mà hình thức thi tự luận luôn gặp phải khi chỉ bao gồm một số ít các câu hỏi. Việc chỉ đề cập đến một vài nội dung/chủ đề trong chương trình môn học của thi tự luận (môn Toán nói riêng và các môn học khác nói chung) như trước đây, gây ra hiện tượng tiêu cực trong dạy và học là “dạy tủ, học tủ”.
Trong khi đó, thi trắc nghiệm với 50 câu hỏi sẽ quét được toàn bộ nội dung kiến thức của chương trình môn học. Điều này buộc người học phải học và nắm được đầy đủ chương trình mới có thể làm bài tốt được. “Đánh giá được toàn diện kiến thức môn học và tránh được việc học tủ, là lợi ích quan trọng nhất của hình thức thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, 50 câu hỏi được ra ở nhiều mức độ, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao, cho phép bài thi trắc nghiệm phân loại được chính xác hơn năng lực học tập của từng học sinh”, TS Phạm Xuân Thanh nói.