'Dành cả thanh xuân' ở vùng cao biên giới

GD&TĐ - Nậm Pồ vốn được biết đến là huyện vùng cao, biên giới thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên.

Cô giáo Mùa Thị Năng kể chuyện cho những trò nhỏ thân yêu.
Cô giáo Mùa Thị Năng kể chuyện cho những trò nhỏ thân yêu.

Với tình yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo ở Trường Mầm non Vàng Đán ở Nậm Pồ đã dành cả thanh xuân để “ươm mầm” tại mảnh đất khô cằn này...

Ngã nhiều thành quen...

Cuối tháng 3, các đợt gió Tây hầm hập phả liên hồi. Hơi nóng, khói bụi từ các vạt nương bị đốt cháy kèm gió Tây khiến cho cái nóng nơi cực Tây Bắc như được nhân lên gấp bội. Đúng ngày nắng nóng “cực độ”, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Vàng Đán, nằm ở bản Huổi Khương, xã Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 140 km.

Ngôi trường này hiện có 519 trẻ, hầu hết là con em người Mông. Các em theo học tại điểm trường trung tâm và 9 điểm bản lẻ, gồm: Ham Xoong 1, 2; Huổi Khương; Huổi Dạo 1, 2, 3; Vàng Đán và Nà Cốc 1, 2.

Ham Xoong 1 là một trong số những điểm trường thuộc diện xa xôi và khó khăn nhất. Điểm bản này nằm cách trường trung tâm khoảng 10km với những con dốc dài uốn lượn quanh co. Thấy có người lạ, đám nhỏ cứ ngoái theo nhìn ngơ ngác. Cô giáo Mùa Thị Năng (sinh năm 1996), phụ trách lớp học tại điểm trường này ra đón đoàn và cho biết: “Lâu lâu mới có người lạ đến thăm nên các bé đang lạ lẫm”. Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 8 cô Năng gắn bó với đám trẻ ở đây trong vai “cắm bản”.

Điểm trường Ham Xoong 1 có 3 lớp với 85 trẻ. Đây là điểm trường có số học sinh theo học đông nhất nên nhà trường đã bố trí cô Năng cùng 3 người nữa đến dạy. “Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên tôi được về đây công tác.

Lúc mới đến còn rất nhiều khó khăn. Đường sá xa xôi mà ngày ấy chưa có đường bê tông như bây giờ. Mỗi lần đến điểm trường chúng tôi đều phải đi bộ. Mùa khô thì bụi bám trắng xóa, mùa mưa thì trơn trượt, lấm lem. Cũng chẳng biết là bao nhiêu lần bị ngã xe nữa, nhưng đi nhiều, ngã nhiều rồi cũng thành quen”, cô Năng tâm sự.

Trong muôn vàn khó khăn Nậm Pồ phải đối diện, có lẽ việc vận động học sinh ra lớp là điều khó khăn hơn cả. Để duy trì sĩ số học sinh, giáo viên ở đây cũng phải rất vất vả vận động các gia đình đưa con em đến lớp. Cô Lò Thị Lệ - điểm trường Nộc Cốc 2 là người thấu hiểu điều này hơn ai hết. “Vào mùa mưa, khi vận động học sinh ra lớp, nhiều gia đình đi nương nên rất khó để gặp. Không gặp được phụ huynh vào ban ngày, chúng tôi lại phải đi vào ban đêm, chờ đến bao giờ gặp được, thuyết phục cho bằng được mới yên tâm trở về”, cô Lệ bộc bạch.

Năm 2014, khi mới vào nhận công tác, cô Lệ được giao chủ nhiệm lớp 3 tuổi. Là giáo viên mới, người dân tộc Thái trong khi hầu hết học trò lại là con em người Mông. Bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục có thêm rào cản.

Cô Lệ còn nhớ như in năm đầu tiên cắm bản với kỷ niệm về cô học trò Tráng Thị Xua. Xua hiền lành nhưng lại nhút nhát, đã 3 tuổi mà chưa biết nói. Hoàn cảnh gia đình Xua khó khăn. Bố mẹ Xua hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Thương trò, cô Lệ không ngừng nỗ lực, mỗi ngày cô dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, hướng dẫn Xua từ những điều nhỏ nhất.

Cô giáo Trương Ngọc Bích ân cần chăm sóc từng trò nhỏ.

Cô giáo Trương Ngọc Bích ân cần chăm sóc từng trò nhỏ.

Gieo hạt yêu thương

Cô Lệ đã đặt ra mục tiêu phải tự học tiếng Mông. Ban đầu là những từ ngữ đơn giản trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, rồi sau là những câu, từ khó hơn. Mỗi khi gặp khó, cô lại nhờ đám học sinh lớp lớn phiên dịch hộ. Cứ như thế, vốn từ của cô mỗi ngày một nhiều lên. Cô cũng giao tiếp với Xua được nhiều hơn. Cuối năm học, Xua đã “ê”, “a” đọc thơ và dần hòa nhập được với các bạn.

“Giờ đây, các cô không chỉ “3 cùng” nữa mà mỗi người giáo viên phải thực hiện “4 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng bản địa với các em”, cô Lệ nói.

Gần 10 năm trôi qua, song cô Trương Ngọc Bích (sinh năm 1991) vẫn chưa thể quên được những ngày đầu xây trường, dựng lớp. “Năm 2014, lúc đó chưa có lớp học, phải mượn tạm nhà dân (chủ nhà đi làm ăn xa, bỏ hoang) để làm lớp. Ngày ấy còn là nhà lợp mái gianh, nền đất. Dần dần, điểm trường cũng được xây dựng khang trang hơn nhưng con đường tới trường của các em vẫn còn lắm gian nan. Nước sinh hoạt không đủ, các cô lại thay phiên nhau đi gánh nước cho các con dùng”, cô Bích nhớ lại.

Trường khó một thì học sinh của cô khó mười. Năm đầu nhận lớp, cô Bích nhớ mãi cảnh học sinh chân trần tím tái dưới trời giá rét đến lớp. Trong đám học sinh ấy có cậu bé 3 tuổi Giàng A Trống. Nhà Trống nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa nên em phải ở với ông bà. Trống còn mắc bệnh hiểm nghèo. Thương em, cô Bích nỗ lực vận động gia đình đi khám để được chứng nhận khuyết tật và được hưởng chính sách của Nhà nước.

Ở trên lớp, mỗi bữa cô Bích phần thêm một chút thức ăn để Trống được no bụng. Đi đâu, ai có quần, áo, giầy, dép cũ không dùng đến thì cô xin về cho Trống. Từ sự yêu thương, vun đắp mỗi ngày, Trống lớn lên, thoát khỏi “vỏ bọc” của một cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp. Em cứ thế mạnh dạn hơn trong giao tiếp, chủ động vui chơi cùng các bạn.

Đưa chúng tôi đi thăm từng phòng học trong khuôn viên nhà trường, cô Hiệu trưởng Lò Thị Khoa say sưa kể về chặng đường tạo dựng cơ sở vật chất suốt nhiều năm qua. Cô cũng không quên điểm lại những gian nan mà tập thể sư phạm nơi đây đã trải qua.

Cô Khoa bộc bạch: “Có những cô giáo gắn bó với trường từ khi còn rất trẻ, tuổi đời mười chín đôi mươi đã là giáo viên đi bám bản xa. Với tình yêu nghề, mến trẻ và nhiệt huyết tuổi thanh xuân, các cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, vì tương lai học trò thân yêu”.

Thật khó để kể hết về những khó khăn và sự cống hiến của các cô giáo bám bản. Hàng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa cho trẻ... đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình. Tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của các giáo viên nơi đây càng khiến chúng tôi cảm phục hơn ý chí và sự hi sinh thầm lặng mà họ dành cho các thế hệ học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.