Đảng viên người Sán Chay làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Anh Hoàng Khắc Cần, dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên vẫn tích cực nêu gương sáng trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đảng viên người Sán Chay làm kinh tế giỏi.
Đảng viên người Sán Chay làm kinh tế giỏi.

Dám nghĩ, dám làm

Với bản chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu khó học hỏi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Hoàng Khắc Cần (SN: 1991) đã và đang thành công trong phát triển mô hình trồng cây dược liệu quý và trở thành tấm gương sáng cho hội viên nông dân học tập, làm theo.

Sinh ra và lớn lên ở một xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện miền núi Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, bản tính chân chất của người con dân tộc Sán Chay cần cù, chịu khó, thích làm kinh tế. Vì thế, anh đã suy nghĩ mình phải tận dụng tốt điều kiện đất đai rộng lớn, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, mang lại kinh tế cho gia đình.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) anh Cần trở về địa phương để xây dựng, phát triển kinh tế, năm 2011, kế thừa các công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội. Anh Cần đã quyết tâm theo đuổi con đường trồng, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu.

Nhận thấy giá trị kinh tế và điều kiện sinh trưởng của dây thìa canh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, anh Cần đã tiến hành trồng thử nghiệm cây dây thìa canh trên đất ruộng. Chia sẻ về quá trình trồng, anh Cần cho biết: Dây thìa canh thích hợp với vùng đất cao, thoát nước tốt, tầng đất sâu, đất từ cát pha đến thịt trung bình. Loại cây này có sức sống rất tốt, chỉ cần cung cấp đủ nước, kết hợp chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật thì cây phát triển ổn định, đảm bảo về năng suất, sản lượng.

Thời điểm thích hợp nhất để trồng là vào tháng 4 hoặc tháng 7, đất sau khi được cày tơi, phơi ải và diệt trừ hết mầm bệnh, sau đó được vun luống cao từ 30-35cm. Mỗi luống cách nhau từ 1,3-1,5m, làm giàn bằng tre nứa để cây dây thìa canh bám leo lên. Sau khi trồng, dùng rơm rạ đậy kín xung quanh gốc cây và toàn mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc để cây nhanh bén rễ.

Áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ

Quá trình chăm sóc, để đảm bảo an toàn sinh học cho dây thìa canh đạt chuẩn hữu cơ TCVN 11041-1:2017 & TCVN 1104-2:2017 và tiêu chuẩn GACP-WHO hoàn toàn không dùng thuốc diệt cỏ mà sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để quản lý sâu bệnh hại trên dây thìa canh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kết hợp làm sạch cỏ thủ công, kiểm tra ngắt bỏ bộ phận bị sâu bệnh ngay khi phát hiện, không để lây lan ra diện rộng.

Sản phẩm cây dây Thìa Canh lá to được trồng tại xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Sản phẩm cây dây Thìa Canh lá to được trồng tại xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Dây thìa canh thường cho thu hoạch tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, có thể kéo dài đến tháng 12 nếu thời tiết thuận lợi. Hiện nay, với diện tích trồng dây thìa canh khoảng 3,5 ha, cho thu hoạch từ 3-4 vụ, 2 tháng thu hoạch 1 lần, sản lượng cho 50 tấn tươi /năm.

Về quy trình chế biến, với nguyên liệu 100% dây thìa canh lá to sạch đạt tiêu chuẩn ORGANIC sau khi được thu hái, nguyên liệu tươi được loại sạch cỏ dại, tạp bằng mắt và công nhân thực hiện thủ công sau đó rửa lại bằng nước giếng khoan 2 lần, cắt thái bằng máy công nghiệp. Sản phẩm sẽ được phơi, sao thơm bằng nhà sấy năng lượng mặt trời hoặc sấy bằng máy sấy, sau khi phơi khô, dược liệu được sao thơm bằng máy tôn quay inox. Dược liệu sao thơm sẽ để nguội và được chuyển đến phòng đóng gói.

Hiện nay, các sản phẩm từ dây thìa canh được bán ra thị trường với đa dạng mặt hàng như: Trà dây thìa canh DK-Từ dây thìa canh lá to 150 gam với giá 100.000 đồng; Trà dây thìa canh DK-Từ dây thìa canh lá to 300 gam với giá 190.000 đồng; Trà túi lọc dây thìa canh lá to có giá 55.000 đồng, Dây thìa canh đóng gói DK 100 gam có giá 40.000 đồng, Dây thìa canh đóng gói DK-Loại đặc biệt 100 gam có giá 55.000 đồng… Nhờ sự chủ động, chăm chỉ, chịu khó, cần cù hăng say lao động, mô hình trồng, chế biến dược liệu của anh cần cho doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Từ thành công bước đầu, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nguồn dược liệu nhằm bảo tồn gìn giữ văn hóa đồng bào người dân tộc Sán Chay tại địa phương.

Anh Cần khẳng định: Thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch đã và đang khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.