Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ thả 5 chỉ huy Azov

GD&TĐ - Theo truyền thông Ankara, việc thả 5 chỉ huy Ukraine và một số hành động khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều tính toán riêng.

Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ thả 5 chỉ huy Azov

Theo bài viết trên tờ “Người đưa tin” (Reporter) của Nga, phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đang tuyên truyền rằng, vào năm kỷ niệm một trăm năm của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống mới tái đắc cử Recep Tayyip Erdogan có thể đưa ra những quyết định không thể lường trước.

Theo bài báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/7 đã về nước sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo 5 cựu chỉ huy của tiểu đoàn dân tộc cực đoan Azov. Trong phát biểu của mình, ông Zelensky không đưa ra lời giải thích vì sao các chỉ huy này được phép trở về Ukraine vào thời điểm hiện tại.

Một nguồn tin ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng thông tấn Nga Tass rằng, quyết định trao trả “chỉ có thể được đưa ra ở cấp cao, dựa trên các thỏa thuận hiện tại giữa các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine”.

Đáng chú ý là việc này diễn ra ngay sau khi ông Zelensky kết thúc chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Ankara không phải là bên công bố thông tin, mà chính Ukraine đã tuyên truyền rầm rộ về sự kiện này, như một thắng lợi vẻ vang.

Quan hệ nóng lên vì vấn đề thả chỉ huy Azov

Được biết, Nga đã trao trả một số tay súng và quân nhân Ukraine ở nhà máy thép Azovstal vào tháng 9 năm đó, trong một cuộc trao đổi tù nhân do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Tuy nhiên, một số điều khoản quy định những chỉ huy Ukraine sẽ phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Erdogan cho biết, hơn 200 người đã được chuyển đến nước này sau cuộc trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, ông không nêu rõ nguyên nhân dẫn đến điều này.

Trong số này, năm chỉ huy của Azov và một số vị chỉ huy của các đơn vị thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine như Lữ đoàn 36 Thủy quân Lục chiến và Lữ đoàn Tác chiến 12 đã được Kiev vinh danh vì dẫn đầu cuộc kháng cự kéo dài ba tháng ở nhà máy thép Azovstal, thành phố Mariupol, tỉnh Donetsk, cho đến khi Kiev ra lệnh đầu hàng vào tháng 5 năm 2022.

Trước sự việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép 5 chỉ huy của các đơn vị Ukraine về nước, giới chức Nga đã tuyên bố rằng, đây là một động thái không thể chấp nhận được, phớt lờ vai trò của Nga, Moscow coi đây là hành động vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân được thiết lập vào năm ngoái.

Ngay ngày hôm sau (09/7), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lập tức có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, phản ánh sự không hài lòng của Moscow về những hành động của Ankara.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, bên cạnh trao đổi về việc thả 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov, cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan còn đề cập những vấn đề khác có liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và các chỉ huy tiểu đoàn Azov được trao trả về Ukraine
Tổng thống Volodymyr Zelensky và các chỉ huy tiểu đoàn Azov được trao trả về Ukraine

Cụ thể, đôi bên còn thảo luận về sự leo thang xung đột ở Ukraine và tương lai của thỏa thuận dỡ bỏ lệnh phong tỏa của Nga đối với các cảng của Ukraine vào năm ngoái, cho phép Kiev được xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen; đổi lại, Moscow được xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Nga trước đó đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Ankara và Liên Hiệp Quốc làm trung gian, từng được gia hạn đến ngày 17/7 năm nay, với cáo buộc phương Tây đã ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, thậm chí tuyến đường ống dẫn amoniac còn bị tấn công phá hủy.

Kết quả của cuộc điện đàm không được thông báo rõ ràng đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng tình thế khó khăn của Nga ở Ukraine để ép Moscow phải nhượng bộ về lợi ích.

Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng vị thế

Tờ Reporter thông báo, phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa Ankara và Kiev. Việc thả 5 chỉ huy của Tiểu đoàn Azov chỉ là một phần nhỏ trong đó, còn quan trọng nhất là chính quyền Erdogan luôn ủng hộ Ukraine trong vấn đề Crimea.

Bài báo cho biết, về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã bán một lô lớn máy bay không người lái vũ trang Bayratak TB2 cho Ukraine và hiện nay, con rể ông Erdogan cũng đang xúc tiến chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất loại UAV này trên lãnh thổ Ukraine.

Ankara đang triển khai kế hoạch đóng 2 tàu chiến hơn 2.400 tấn cho Hải quân Ukraine, trong đó, chiếc tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada đầu tiên mang tên Hetman Ivan Mazepa đã được hạ thủy vào tháng 10/2022, việc đóng chiếc thứ hai cũng đang sắp hoàn thành.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét khả năng chuyển giao cho Kiev không chỉ UAV Bayraktar TB2 và xe bọc thép Kirpi, mà còn cả lựu pháo tự hành bánh xích T-155 Fırtına cỡ nòng 155 mm. Và tiếp theo, rất có thể xe tăng, máy bay trực thăng và các sản phẩm khác của tổ hợp công nghiệp-quân sự Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Thậm chí không thể loại trừ khả năng chính quyền Ankara có thể đồng ý với những lời hô hào của Washington về việc cung cấp các vũ khí Nga cho chính quyền Kiev và chuyển giao cho Mỹ các hệ thống phòng không S-400 Triumph mua từ Nga, sau đó Lầu Năm Góc sẽ chuyển đến Ukraine.

Theo phe đối lập Ukraine, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ sự “đu dây” trong quan hệ với Nga và Ukraine nhằm thu lợi tối đa cho mình.

Song song với việc hỗ trợ cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có những thỏa thuận mật thiết với Nga trong quan hệ với Mỹ và chính quyền Syria, cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề người Kurd Syria.

Về kinh tế, ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang thu lợi rất lớn từ tuyến đường ống dẫn khí đốt Turkstream và ngành du lịch, xuất khẩu nông sản của nước này cũng nhận được nhiều lợi ích từ Nga.

Bên cạnh đó, Ankara cũng được Moscow cho vay vốn và giúp thiết kế xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu tại tỉnh Mersin, trên bờ biển Địa Trung Hải.

Về quân sự, Moscow đã bán cho Ankara các tổ hợp phòng không tiên tiến nhất là S-400 Triumph, hai bên cũng đang có những xúc tiến về vấn đề mua sắm và hợp tác phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57, sau khi Mỹ cấm chuyển giao F-35 Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia, Tổng thống Erdogan hiểu rõ vị thế quan trọng của mình và tình thế khó khăn của người đồng cấp, nên mặc dù đã nhận được nhiều lợi ích từ Moscow, Ankara vẫn tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.