Theo giới truyền thông Nga, máy bay không người lái cảm tử (UAV kamikaze) thế hệ mới Privet-82 của Nga đã vượt qua các cuộc thử nghiệm trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ở Donbass và hiện đang được chuẩn bị để đưa vào sử dụng hàng loạt trong hoạt động chiến đấu của Quân đội Nga.
Theo đại diện của nhà phát triển UAV Privet-82 là Phòng thiết kế Oko ở St. Petersburg cho biết, loại UAV mới của họ đã vượt qua các cuộc thử nghiệm bay trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) mà Nga mới sáp nhập hồi tháng 9 năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, 12 UAV Privet-82 phiên bản trinh sát và tự sát đã được đưa tới khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, Ukraine.
Được biết, Oko là cơ cấu khoa học công nghệ dân sự mới thành lập tại Nga, quy tụ nhiều tình nguyện viên là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo UAV. Họ không tham gia vào những hợp đồng mua sắm quốc phòng cấp quốc gia và cũng không có giấy phép chế tạo vũ khí.
Do đó, Privet-82 là máy bay không người lái đơn thuần nhưng có cấu trúc mở giúp Quân đội Nga dễ dàng tùy biến nó thành các loại UAV khác nhau tùy theo tính chất nhiệm vụ. Ví dụ như khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát hay tấn công thì đơn vị vận hành sẽ tự lắp đặt các camera hoặc đầu nổ.
Các cuộc thử nghiệm kiểm tra phạm vi bay, hệ thống điều khiển, thiết bị thông tin liên lạc và khả năng chống áp chế điện tử của UAV đã được tiến hành ở chính các đơn vị quân đội đang tham chiến ở Ukraine vào hồi tháng 6 vừa qua và đã hoàn tất với kết quả mỹ mãn.
Kế hoạch sử dụng Privet-82 ở Ukraine, theo thông tin của phòng thiết kế Oko |
Theo Giám đốc điều hành của Oko là ông Vadim Zhernov, lần thử lửa thực tế đầu tiên của Privet-82 diễn ra cách đây không lâu, mục tiêu là một cứ điểm của quân đội Ukraine, cách điểm phóng UAV khoảng 12 km. Chiếc máy bay không người lái này đã thành công ngay trận đầu ra quân.
Hiện nay, việc sản xuất hàng loạt và trang bị mẫu UAV mới này cho Quân đội Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang được triển khai trên quy mô lớn.
UAV Privet-82 được chế tạo theo sơ đồ khí động học thông thường và được trang bị động cơ điện. Máy bay không người lái được phóng bằng máy phóng, tốc độ hành trình của nó là 90 km/h, có thể tăng tốc lên 140 km/h và khi lao vào mục tiêu, vận tốc của nó lên tới 160 km/h.
UAV Privet-82 có phạm vi hoạt động 30 km và mang đầu đạn nặng 5,5 kg. Nó được Phòng thiết kế Oko tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công cứ điểm kiên cố và phản pháo, nhưng chiếc UAV này cũng được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát chuyên biệt, với thời gian bay kéo dài thêm 1,5 giờ.
Đại diện Phòng thiết kế Oko cho biết, loại máy bay không người lái của họ có rất nhiều ưu điểm nổi bật có thể giúp Quân đội Nga giành được ưu thế trên chiến trường. Điều này thể hiện ở những điểm sau:
Ưu điểm nổi bật đầu tiên là Privet-82 là nó có khả năng chuyển tiếp quyền điều khiển. Cơ chế này giúp UAV có thể được một kíp điều khiển phóng từ hậu phương, sau đó kíp vận hành ở tiền tuyến kết nối để hướng dẫn nó bay tới tấn công mục tiêu.
Nguyên mẫu trưng bày UAV Kamikaze Privet-82 của Oko, tháng 4 năm 2023 |
Công nghệ này giúp máy bay áp sát khu vực mục tiêu mà không cần thu phát tín hiệu vô tuyến, khiến các hệ thống tác chiến điện tử không thể phát hiện và hạn chế khả năng đối phó của đối phương.
Ngoài ra, cơ chế này điều khiển rất linh hoạt này có thể giúp Quân đội Nga khắc phục được tình trạng thiếu UAV ở tiền tuyến, có thể sử dụng các UAV phóng từ hậu phương để tấn công, mà không cần phải vận chuyển chúng từ tuyến sau lên cho bộ binh ở tuyến đầu.
Hơn nữa, người điểu khiển có thể phóng từ một đến nhiều máy bay không người lái cùng một lúc đến khu vực tác chiến của một đơn vị, rất hiệu quả trong trường hợp tăng cường hỏa lực từ hậu phương cho đơn vị tiền tuyến bẻ gẫy các mũi tấn công bằng tăng-thiết giáp địch hoặc chi viện hỏa lực giữa các đơn vị tiền tuyến với nhau.
Ưu điểm nổi bật thứ hai là chiếc UAV này được trang bị khả năng chống tác chiến điện tử rất cao. Trong các cuộc thử nghiệm, Privet-82 đã chứng tỏ khả năng duy trì điều khiển liên tục và hoạt động của kênh truyền dẫn trong điều kiện đối phương sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử.
Thử nghiệm cho thấy, trong tình huống các tín hiệu của Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu (GNSS, Global Navigation Satellite System) đã bị gây nhiễu ở phạm vi 2,5 nghìn mét, nhưng máy bay không người lái vẫn điều hướng được nhờ cơ chế dẫn đường thủ công bằng tín hiệu video, mà không cần GNSS.
Phạm vi sử dụng với dẫn đường bằng video lên tới 3 km trong tầm nhìn và lên tới 15 km khi sử dụng bộ khuếch đại.
Ưu điểm nổi bật thứ ba là hệ thống Privet-82 tương đối dễ vận hành, ngay cả với những binh sĩ ít kinh nghiệm. Các nhân viên điều khiển UAV chỉ cần hoàn tất quá trình đào tạo khoảng 5 ngày và có một ngày làm quen với thiết bị là có thể sử dụng thành thạo Privet-82.
Nguyên mẫu UAV Privet-82 trong quá trình thử nghiệm trên chiến trường. Ảnh: Oko. |
Ngoài ra, cơ cấu phóng của chiếc UAV này cũng tương đối đơn giản, có thể lắp ráp trong điều kiện chiến trường hoặc tùy biến sử dụng chung với một số loại máy bay không người lái khác nên rất tiện dụng.
Điều này sẽ giúp chiếc Privet-82 nhanh chóng được đưa vào chiến đấu thực tế, cung cấp cho binh sĩ Nga một phương tiện trinh sát hiệu quả hoặc vũ khí đắc lực để tiêu diệt tăng-thiết giáp đối phương.
Ưu điểm nổi bật thứ tư là máy bay không người lái Privet-82 ứng dụng công nghệ dân sự nên rất dễ tìm kiếm linh kiện và dễ dàng sản xuất trên quy mô lớn.
Hiện nay, Phòng thiết kế đang duy trì một dây chuyền nhỏ sản xuất 100 chiếc UAV mỗi tháng, nhưng trong vòng vài tháng tới có thể mở rộng quy mô sản xuất rất nhanh, bảo đảm khả năng xuất xưởng hàng nghìn UAV mỗi tháng.
Mục tiêu sắp tới của họ là huy động kinh phí từ Bộ Quốc phòng Nga hoặc các nhà tài trợ khác để khởi động một vài dây chuyền sản xuất hàng loạt lớn, nhằm tăng cường cung cấp máy bay không người lái chiến thuật cho Quân đội Nga.
Ưu điểm không kém phần quan trọng là Privet-82 có giá xuất xưởng chỉ khoảng từ 1200-1.450 USD tùy theo phiên bản, rẻ hơn nhiều so với mức giá hàng chục nghìn USD/chiếc của dòng Shahed-136 Iran và Geran-2 nên Nga có thể đầu tư một khoản kinh phí nhỏ là có thể sản xuất quy mô lớn để trang bị phổ biến trên chiến trường.
Mỗi chiếc UAV có giá rất rẻ này có thể tiêu diệt một xe tăng chiến đấu chủ lực hay xe thiết giáp của phương Tây có giá trị từ vài triệu lên tới hàng chục triệu USD. Đây là cái giá quá hời đối với Nga để tiêu diệt sinh lực của các đơn vị Ukraine đang tham gia chiến dịch phản công.
Xem video clip thử nghiệm tấn công mục tiêu giả định của Privet-82 không mang đầu đạn:
Xem video clip thử nghiệm tấn công mục tiêu giả định của Privet-82 không mang đầu đạn: |
Một ưu điểm chung của các UAV kamikaze như Privet-82 là chúng có kích thước nhỏ, bay thấp, không tiếng ồn nên rất khó bị phát hiện bởi các hệ thống radar, cảm biến và cả quan sát bằng mắt thường, tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không chiến thuật vốn đã rất thiếu thốn của Ukraine.
Hơn nữa, UAV tự sát còn được gọi là “đạn tuần kích” hay “đạn bay lảng vảng”, do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể, nên các phương tiện mặt đất rất khó thoát khỏi sự đeo bám của chúng.
Với những ưu điểm nổi bật trên, rất có thể Bộ Quốc phòng Nga sẽ cung cấp kinh phí để xây dựng thêm vài ba dây chuyền sản xuất, để Quân đội Nga có thể nhanh chóng được cung cấp thêm vài ngàn UAV tự sát mỗi tháng. Trong vài tháng tới, Quân đội Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với cơn mưa UAV tự sát kinh hoàng mới.