Đằng sau “Báo cáo Mueller”: Ông Trump đã thực sự được “giải oan”?

GD&TĐ - Gần 2 năm điều tra bền bỉ với sự tham gia của 40 đặc vụ FBI giỏi nhất và 20 luật sư có trình độ cao, thẩm vấn 500 nhân chứng và tiến hành 500 cuộc điều tra cùng một số cuộc tìm kiếm, công tố viên đặc biệt R.Mueller đã kết thúc cuộc điều tra về những cáo buộc của đảng Dân chủ với Tổng thống Donald Trump. Từ bản tóm tắt báo cáo do Bộ Tư pháp công bố, các nhà phân tích cho rằng ông Trump được “giải oan” trong vụ này, nhưng chặng đường trước mắt vẫn hết sức chông gai.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người dẫn đầu cuộc điều tra về cáo buộc tới Tổng thống Trump
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người dẫn đầu cuộc điều tra về cáo buộc tới Tổng thống Trump

“Giải oan” cho ông Trump

Ngày 24/3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã công bố những “kết luận cơ bản” của cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, của công tố viên đặc biệt R.Mueller - cựu Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Theo ông R.Mueller, Nga đã cố gắng can thiệp vào các cuộc bầu cử thông qua cơ quan nghiên cứu Internet có liên quan đến doanh nhân Yevgeny Prigogine. Nga bị cáo buộc đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống theo hai cách: Sử dụng các cuộc tấn công mạng và Cơ quan nghiên cứu Internet, nơi rải thông tin sai lệch trên mạng xã hội nhằm chia rẽ người Mỹ và ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu. Ông R.Mueller cho rằng, các tin tặc được cho là liên kết với chính phủ Nga đã đột nhập vào hộp thư điện tử của đảng Dân chủ và ứng cử viên Hillary Clinton, sau đó họ đã phân phối thông tin nhận được qua các trang web, trong đó có WikiLeaks.

Tuy nhiên, ông R.Mueller không tìm thấy bất cứ một người Mỹ nào, kể cả các nhân viên chính thức thuộc chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump, có liên hệ với người Nga. Ngoài ra, ủy ban của công tố viên đặc biệt nhấn mạnh rằng, họ không tìm thấy bất kỳ hành động cản trở công lý nào của Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều tra cũng không đưa ra khuyến nghị thêm bất kỳ cáo trạng nào khác.

Một bản báo cáo như vậy, tất nhiên tạo ra sự hài lòng sâu sắc cho Nhà Trắng và cho chính ông Donald Trump. Bà Sarah Sanders, người phát ngôn của Nhà Trắng, khẳng định: “Một ngày tuyệt vời cho nước Mỹ và cho Tổng thống. Sau hai năm cuồng loạn chống lại Tổng thống, Donald Trump và hàng triệu người ủng hộ, ông đã hoàn toàn được minh oan”.

Ngay sau đó, trên Twitter của mình, Tổng thống Trump viết: “Không có sự thông đồng, không có cản trở (đối với công lý - ND), một sự biện minh đầy đủ và trọn vẹn. Hãy giữ nước Mỹ vĩ đại!”.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Sau 22 tháng diễn ra cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller, tổng cộng 34 người - trong đó có người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort; cựu luật sư riêng của ông Trump, ông Michael Cohen; cựu cố vấn an ninh quốc gia, ông Michael Flynn - đã bị truy tố. Trong khi các luật sư của Tổng thống Trump, trong đó có cựu Thị trưởng New York Rudolph Giuliani, đặt câu hỏi: Tại sao nó (các cáo buộc) lại xuất hiện và cần phải tìm ra ai đã phát minh và đặt hàng “câu chuyện Nga”, thì phe Dân chủ tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra Tổng thống Donald Trump, với các bằng chứng có được từ cuộc điều tra của ông R.Mueller.

Để làm việc này, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ yêu cầu ông R.Mueller nhanh chóng công bố đầy đủ bản báo cáo điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Chưa hết, phe Dân chủ còn chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp William Barr là “không khách quan” trong việc công bố bản tóm tắt “báo cáo Mueller”.

Theo các nhà phân tích, cái gọi là chiến thắng của ông Trump, mà ông tuyên bố qua Twitter, không phải là chiến thắng trọn vẹn.

Thứ nhất, “báo cáo Mueller” không làm giảm cường độ của cuộc đấu tranh chính trị ở Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ không còn cơ sở để giải thích sự thất bại của họ bằng sự can thiệp của Nga, nhưng sự thất vọng từ thất bại đau đớn vào năm 2016 vẫn còn đó. Các chủ đề khác như: Thái độ tiêu cực đối với NATO, từ chối chỉ trích Tổng thống Nga V.Putin, mềm mỏng trong việc áp dụng các biện pháp gây áp lực kinh tế đối với Nga, không khoan dung đối với người nhập cư, nghi vấn tham nhũng trong Nhà Trắng... sẽ được phe Dân chủ sử dụng để gây áp lực lên ông Trump.

Thứ hai, chiến thắng đến với ông Trump vào thời điểm này rõ ràng là không đúng lúc. Nếu báo cáo được công bố vào nửa cuối năm 2020, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo tại Mỹ, thì uy tín chính trị của ông Trump sẽ cao hơn nhiều. Hiệu quả chính trị của “báo cáo Mueller” vào thời điểm này là tối thiểu, và chiến thắng này sẽ sớm bị lãng quên.

Thứ ba, chiến thắng hiện tại cho thấy, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump là một sự ngoằn ngoèo phi logic nhất trong lịch sử chính trị của Hoa Kỳ. Khi “câu chuyện Nga” bị xóa tan, đảng Dân chủ phải đưa ra một cái gì đó thực chất hơn, được xác nhận bởi các sự kiện lớn gắn với những lời chỉ trích của họ về ông Trump.

Nói tóm lại, cuộc chiến “Voi - Lừa” chắc chắn sẽ chưa dừng lại trên chính trường nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ