Một năm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Được và mất của nước Mỹ

GD&TĐ - Đã 1 năm kể từ tháng 3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao lên thép và nhôm của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho cả hai bên. Theo thống kê của Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia (NBER), kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 8 tỷ USD. Đối với nền kinh tế khổng lồ, thiệt hại này là quá nhỏ, tuy nhiên, giấc mơ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ lại đang ở phía xa mờ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung qua tranh biếm họa của Patrick Buchanan
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung qua tranh biếm họa của Patrick Buchanan

Được và mất đan xen

Nhân tròn 1 năm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học California tại Berkeley, Đại học Columbia, Đại học Yale và Đại học

California tại Los Angeles đã công bố một nghiên cứu về tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế Mỹ. Theo nghiên cứu này, chỉ trong năm 2018, cuộc chiến thương mại khiến nền kinh tế Mỹ mất gần 8 tỷ USD, tương đương 0,04% GDP.

Những loại hàng hóa nhập khẩu do người Mỹ áp đặt thuế cao đã giảm 31,5%. Đồng thời, thuế nhập khẩu tăng từ mức trung bình 2,6% lên 17%. Việc tăng thuế quan đã ảnh hưởng đến khoảng 12 nghìn sản phẩm khác nhau với tổng trị giá lên tới 303 tỷ USD, bằng 12,6% khối lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trong năm 2017.

Trong khi đó, xuất khẩu từ Mỹ sang các nước đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Washington giảm 11%. Đồng thời, các đối tác của Mỹ bị kéo vào cuộc chiến thương mại đã tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ từ 6,6% lên 23%. Việc tăng thuế đã ảnh hưởng tới 2,9 nghìn mặt hàng từ hàng hóa xuất khẩu của Mỹ với tổng trị giá 96 tỷ USD, tương đương với 6,2% xuất khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2017.

Cũng theo nghiên cứu của các nhà kinh tế, thiệt hại trực tiếp của người tiêu dùng và nhà sản xuất Mỹ từ việc tăng giá thành sản phẩm nhập khẩu lên tới gần 70 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP.

“Chúng tôi tin rằng những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại ở các bang đã phải chịu đựng nhiều hơn từ cuộc chiến thương mại” - các nhà khoa học nhận định.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại. Vào cuối tháng 2/2019, con số này đã giảm xuống 3,8% so với 4% trong tháng 1.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là chỉ số việc làm ở Mỹ được cải thiện rõ rệt vào tháng 2/2019. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, chỉ số này đã tăng lên 111,15 điểm so với 109,34 điểm trong tháng 1 và so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số tăng 4,3%.

Thu nhập trung bình mỗi giờ làm việc ở Mỹ tăng lên 27,66 USD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009, báo hiệu một xu hướng chung tích cực trong thị trường lao động.

Nếu các chỉ số thị trường lao động ở Mỹ đang cải thiện tổng thể thì giấc mơ chiến thắng về thâm hụt thương mại đang còn ở rất xa. Theo con số thống kê năm 2018, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, lên tới 891,3 tỷ USD. Trong đó, thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 419 tỷ USD, với Liên minh châu Âu đạt gần 170 tỷ USD.

Một chính sách kinh tế không hiệu quả

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kiểu gì cũng sẽ đến hồi kết. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ của ông Trump có thể được gọi là một thất bại cho đến nay - ông Alexei Antonov, nhà phân tích của Alor Broker cho biết. “Nếu mục tiêu chính của nó là tăng trưởng kinh tế và đảm bảo cho sự phát triển của sản xuất công nghiệp thì điều đáng chú ý là không có bất kỳ sự tăng trưởng hữu hình nào” - ông Alexei Antonov khẳng định.

Điều đáng nói rằng, sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang dựa vào ngành khai thác. Ví dụ, trong tháng hai, khai thác dầu khí tăng 2,8%, trong khi lĩnh vực sản xuất giảm 0,4%. Như vậy, ngay cả những chuyển biến tích cực nhỏ mà chúng ta nhận thấy đều không có dấu ấn của chính sách ngoại thương của ông Trump. Nên nhớ rằng, chính ngành công nghiệp sản xuất mới có thể giúp Trump làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại - ông Alexei Antonov phân tích.

Cũng theo ông Alexei Antonov, chiến tranh thương mại không làm giảm thâm hụt cán cân thương mại, chứng tỏ “Mỹ không chỉ là nhà nhập khẩu ròng, mà còn phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp”.

Trong khi đó, nhà phân tích tài chính tại BCS Premier Sergei Deineka cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ là yếu tố gây tranh cãi nhất trong chính sách kinh tế của ông Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng đã nhiều lần khẳng định, một chính sách như vậy là cần thiết cho sự trở lại của ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ. Nhưng trong điều kiện hiện tại, chính sách này có thể có hiệu ứng ngược: Đánh mất thị trường lớn, giảm khả năng cạnh tranh công nghiệp và giảm vốn hóa của các công ty lớn.

Ngoài ra, với ông Donald Trump, trong cuộc chiến thương mại này Mỹ phải thắng bằng mọi giá bởi nó gắn liền với sinh mạng chính trị của ông.

Còn nhớ, một năm về trước, với những tuyên bố hùng hồn của ông Trump, những tưởng Trung Quốc sẽ đầu hàng vô điều kiện. Thực tế không hẳn như vậy. Những điểm mấu chốt mà Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện như: Mở rộng thị trường đầu tư bình đẳng và minh bạch, nhà nước không được phép hỗ trợ giá cho hàng hóa, bãi bỏ chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài… đều dậm chân tại chỗ. Ấy là chưa kể Trung Quốc đang dọa bán tháo 1,3 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang là chủ sở hữu. Nếu Bắc Kinh dùng chiêu độc này, hậu quả đối với kinh tế Mỹ là khá nặng nề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.