Đăng ký xét tuyển ĐH: Nên chọn bao nhiêu nguyện vọng là vừa?

GD&TĐ - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học - cao đẳng từ ngày 27/4 đến 11/5 (trực tiếp) và đến 16/5 (trực tuyến).

Thí sinh tỉnh Đắk Nông tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: C. Chương
Thí sinh tỉnh Đắk Nông tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: C. Chương

Vậy, thí sinh cần đăng ký bao nhiêu nguyện vọng (NV) là vừa?

Ngành nào yêu thích nhất thì chọn ở NV1

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, khi ĐKXT vào ĐH, thí sinh cần quan tâm xem xét các yếu tố: Chọn ngành nghề mình yêu thích, đam mê; nhu cầu xã hội cần, cơ hội việc làm tốt sau 3 - 4 năm tới; chọn trường đăng ký thuận tiện cho việc học, khả năng tài chính của gia đình. Để chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp mà thí sinh tự tin về tổng số điểm cao hơn điểm sàn xét tuyển dự kiến của các trường, các em nên tham khảo điểm xét tuyển 2 - 3 năm trước của ngành mình muốn học.

“Sau cùng là chọn NV vào trường nào, ngành hoặc ngành gần nào phù hợp với sở thích, đam mê theo thứ tự ưu tiên từ cao tới thấp. Thí sinh nên đăng ký cả 2 phương án xét tuyển: Xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT nếu nhà trường dùng phương thức này, như vậy cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Về số lượng NV, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều, nên đăng ký tối đa 4 NV là phù hợp” - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang chia sẻ.

Đăng ký xét tuyển ĐH: Nên chọn bao nhiêu nguyện vọng là vừa? ảnh 1

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

Từ kinh nghiệm tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện của trường, cho rằng thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ quy chế tuyển sinh của các trường mình quan tâm để đăng ký cho đúng về cách thức, thời gian đăng ký ở một số phương thức, mỗi trường đại học sẽ có quy chế riêng. Trong đó, thí sinh cần xác định được công việc mong muốn làm và ngành học có thể giúp làm tốt công việc đó. Đồng thời, thí sinh cần tham khảo kỹ mức học phí của các trường để đăng ký cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

“Thí sinh có thể đăng ký nhiều NV, tuy nhiên, mức 5 - 7 NV là hợp lý nhất. Ngành nào yêu thích nhất, thí sinh hãy đăng ký ở NV 1” - ThS Trần Nam chia sẻ.

Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), việc lựa chọn NV để ĐKXT là một việc làm cần hết sức cẩn thận, vì “sai một ly sẽ đi một dặm”.

“Để bảo đảm cơ hội của bản thân, sau khi nhắm được trường đại học có đào tạo ngành yêu thích, thí sinh nên đăng ký theo 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm ngành và trường mà thí sinh yêu thích nhất. Nhóm thứ hai gồm các trường có điểm xét tuyển tương đương (hoặc chênh lệch không nhiều) điểm so với điểm của bản thân. Cuối cùng, nhóm thứ ba gồm các trường có điểm xét tuyển thấp hơn điểm số của bản thân để tạo “khoảng an toàn” và bảo đảm khả năng trúng tuyển”, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, tỉnh Long An. Ảnh: C. Chương
Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, tỉnh Long An. Ảnh: C. Chương

Nên chọn “n” nguyện vọng

Để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào đại học năm nay, TS Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - HCMUTE) cho rằng thí sinh nên chọn “n” NV.

Đồng thời, TS Trần Thanh Thưởng lưu ý thí sinh, hiện tại phần mềm xét tuyển theo nguyên tắc “lọt sàng xuống nia” (không phân biệt NV1 hay NV n) do đó sau khi cân đối học lực thì thí sinh có thể chọn trường tốt nhất làm NV1 và những trường tiếp theo vào NV2, 3... Ông Thưởng nêu ví dụ: Thí sinh A (NV5) và thí sinh B (NV1) được 24 điểm đều chọn ngành Kế toán cùng một trường, thí sinh B trúng tuyển thì đương nhiên thí sinh A cũng trúng tuyển, nếu NV1 - 4 thí sinh A bị trượt.

“Hiện nay theo quy chế, thí sinh được chọn “n” NV, do đó để tăng khả năng trúng tuyển thì thí sinh nên chọn nhiều NV. Trong đó, những NV nào ưu tiên thì đặt lên đầu. Tuy nhiên cần lưu ý, khi đã trúng tuyển NV1 thì những NV sau sẽ không được xét” - TS Trần Thanh Thưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, lưu ý thí sinh trong việc điều chỉnh NV tại Kỳ tuyển sinh ĐH 2021, TS Trần Thanh Thưởng cho rằng năm nay quy chế cho phép thí sinh được điều chỉnh NV 3 lần. Khi điều chỉnh NV thì nên xem xét tổ hợp nào có điểm cao thì chọn tổ hợp đó làm điểm xét tuyển. Đồng thời, có thể điều chỉnh số lượng và thứ tự các NV cho phù hợp với điểm thi…

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (HUTECH) lưu ý, vào mỗi mùa tuyển sinh, luôn có những thí sinh chấp nhận chọn những ngành lấy điểm không cao của những trường đại học tốp đầu, trường “hot” vì theo bạn bè hoặc có khi vì… sĩ diện. Tuy nhiên, việc cố gắng theo học một ngành mà bản thân không yêu thích, chỉ khiến các em mệt mỏi, chán nản và áp lực. Trong khi đó, nếu học ngành yêu thích, chắc chắn sinh viên sẽ có cảm giác thoải mái, học tập chủ động và tất nhiên là kết quả cao hơn. Chính vì vậy, điều đầu tiên khi chọn thứ tự cho NV của mình thí sinh cần giữ vững lập trường với ngành học yêu thích - nền tảng đầu tiên để phát triển tối đa bản thân.

“Để chọn một ngành học đúng và trúng, việc đầu tiên nên chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích, đồng thời phải xem xét đến yếu tố ngành học đó có nhu cầu về cơ hội việc làm trong tương lai. Tiếp đến là chọn những trường có đào tạo ngành học đó và chọn nhiều NV tương ứng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý chọn thêm một số NV về một số ngành có nhu cầu việc làm cao trong tương lai nhưng ít trường đào tạo”. - TS Trần Thanh Thưởng (HCMUTE)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.