Đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ: Nên áp dụng theo nguyên tắc nước chảy

GD&TĐ - Từ ngày 27/4 - 11/5, thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Học sinh cuối cấp tại TP HCM làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp và nguyện vọng tuyển sinh. Ảnh minh họa
Học sinh cuối cấp tại TP HCM làm hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp và nguyện vọng tuyển sinh. Ảnh minh họa

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng và nên áp dụng theo nguyên tắc nước chảy.

Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên

TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ: Thí sinh có hơn 10 ngày để thực hiện đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì thế, các em không nên vội vàng “đặt bút”, mà cần nghiên cứu kỹ các ngành nghề và trường mà mình dự định đăng ký. Để tăng cơ hội trúng tuyển, các em nên đăng ký dựa theo 3 cấp độ: Trường “hot” (những trường có điểm trúng tuyển đầu vào cao); trường tốp trung và trường tốp dưới. “Sau này, khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu điều chỉnh nguyện vọng, các em cũng nên áp dụng theo nguyên tắc này” – TS Nguyễn Đào Tùng khuyến nghị.

Phó Giám đốc Học viện Tài chính diễn giải: Giả sử các em thích ngành Kế toán nên chọn khoảng 4 trường có đào tạo ngành này để đăng ký xét tuyển. Sau đó, các em sắp xếp theo mức độ ưu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển. Nên sắp xếp  thứ tự từ cao xuống thấp theo nguyên tắc “nước chảy”: Trường tốp trên sẽ là nguyện vọng 1, sau đó sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Nguyên tắc này giúp thí sinh nếu không vào được ngành của trường tốp trên sẽ vào ngành của trường  tốp dưới.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền

Theo TS Cao Xuân Liễu - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục, các em nên sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo các tiêu chí như: Trường yêu thích, ngành yêu thích nhưng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cao, cơ hội thấp; ngành yêu thích, trường không yêu thích nhưng cơ hội trúng tuyển cao; ngành yêu thích, trường yêu thích và cơ hội trúng tuyển cao… Các em cần tìm hiểu kỹ thông tin về điểm chuẩn đầu vào những năm trước và chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình dự định đăng ký xét tuyển.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đưa ra lời khuyên: Nếu đã suy nghĩ kỹ, thí sinh hoàn toàn yên tâm khi đăng ký. Bạn nào còn băn khoăn nên cân nhắc thêm 1 tuần nữa. Các em cân nhắc để lựa chọn nguyện vọng ưu tiên là số 1, sau đó đến nguyện vọng 2 và 3... Để có cơ sở lựa chọn các nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên, thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển của trường đại học mình dự định đăng ký xét tuyển trong vòng 3 năm gần nhất và định lượng khả năng của bản thân để dự đoán cơ hội trúng tuyển, đồng thời xem xét nhu cầu, sở thích của cá nhân và xu hướng của thị trường lao động.

Cán bộ, giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền
Cán bộ, giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Ảnh: Sỹ Điền

Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

Theo Công văn 1444/BGDĐT-GDĐH ngày 14/4/2021 hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT, thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định (chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến) sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Như vậy, sau khi biết điểm, thí sinh vẫn còn cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng cho sát hơn. Tuy quy chế của Bộ không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng theo tôi, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều, sẽ gây rối cho chính mình” – ThS Nguyễn Thị Thu Hường khuyến cáo.

Đồng quan điểm, TS Cao Xuân Liễu cho rằng: Thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào trường đại học khác nhau là không cần thiết và không nên. Bởi khi đó, các em sẽ bị phân tán tư tưởng, dẫn đến thiếu tập trung. Khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ gặp phải khó khăn khi lựa chọn trường học và ngành học. “Thay vì “rải đều” các ngành, học sinh cần cân nhắc “đặt bút” để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, mức độ yêu thích” – TS Cao Xuân Liễu chia sẻ.

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

Những mốc thời gian quan trọng (click vào ảnh để xem nội dung)

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học cả năm 2020 ở các ngành đào tạo là gần 468 nghìn, bằng 86,41% tổng chỉ tiêu hệ chính quy. Số thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo là hơn 390 nghìn và số thí sinh nhập học là gần 236 nghìn.

Thực tế cho thấy, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 2 - 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Dù thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 sẽ không sử dụng tới các nguyện vọng sau.

Trên cơ sở đó, thí sinh cần xác định nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Các em đã có 3 năm THPT để suy nghĩ, lựa chọn và tập trung học tập, ôn thi cho ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường, thế mạnh của mình, phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe, gia đình...

Do vậy, việc chọn ngành, chọn trường không nên là câu chuyện của thời gian cuối. Đây là thời điểm các em tập trung cao độ cho việc ôn thi hiệu quả để đạt mục tiêu trúng tuyển vào trường đại học mà mình mơ ước.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên tìm hiểu kỹ Đề án tuyển sinh của các trường đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển. Mỗi trường có một số phương thức tuyển sinh riêng. Nếu trường không giới hạn phương thức đăng ký, thí sinh nên đăng ký đủ các phương thức để mở rộng cơ hội vào trường mình yêu thích. Trong trường hợp giới hạn phương thức đăng ký, thí sinh có thể lựa chọn các trường khác có điều kiện tương đồng để đăng ký nguyện vọng 2, 3... - ThS Nguyễn Thị Thu Hường https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/moc-thoi-gian-quan-trong-ky-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-nam-2021-inYxwl9MR.html

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ