Lưu ý đặc biệt về đăng ký xét tuyển đại học 2021
Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2021. Theo đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ được chọn một trong hai phương thức.
Phương thức 1: Đăng ký trực tiếp tất cả các thông tin trên phiếu ĐKDT kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học; cao đẳng năm 2021; thí sinh không được điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi điểm tiếp nhận đã cập nhật thông tin của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trong thời gian quy định.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh ĐKXT tối đa 3 lần trong thời gian quy định và chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến; Các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.
Phương thức 2: Đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện), thí sinh đăng ký trực tiếp trên Phiếu ĐKDT và ĐKXT phần thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT; phần đăng kí nguyện vọng xét tuyển trực tuyến phải hoàn thành trong thời gian quy định và thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần thông tin đăng kí nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định.
Đặc biệt, các trường không được thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH giữ ổn định học phí
Trước sự việc từ năm học 2021-2022, nhiều trường đại học áp dụng mức thu học phí tăng mới, thậm chí gấp đôi hiện nay, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến hết năm học 2020 - 2021 (Nghị định số 86).
Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn, trong đó có công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16.4.2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 và tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.
Theo đó, Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD-ĐT công lập, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD-ĐT.
Đồng thời cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
4 cơ sở GDĐH Việt Nam được xếp hạng thế giới
Ngày 21/4, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings. Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào danh sách xếp hạng thế giới về mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 401-600), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (401-600), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (601-800), và Trường ĐH Phenikaa (801-1000).
Cả 4 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều được xếp hạng cao ở SDG số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững). Năm ngoái, Việt Nam có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong Bảng xếp hạng này.
Lần đầu tham gia trong kỳ xếp hạng của Impact Rankings của Times Higher Education năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội đã được đánh giá cao về các hoạt động phát triển, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng, góp phần thực hiện các nhiệm vụ quốc gia liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững với thứ hạng 401-600, trở thành 1 trong 2 cơ sở giáo dục đứng đầu ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng này.
Trong kỳ xếp hạng năm 2021, trong số hơn 1.000 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng THE Impact Rankings, ĐH Quốc gia Hà Nội lần đầu tham gia tại 7 SDG (bao gồm: Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Sức khỏe và cuộc sống tốt, Bình đẳng giới, Giáo dục có chất lượng, Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững, Giảm bất bình đẳng, Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh) và đã có thứ hạng nổi bật ở 4 SDG.