Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đừng theo 'hot trend'!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những ngành học liên quan đến công nghệ 4.0 đang là xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh Ngô Chuyên
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Ảnh Ngô Chuyên

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không phải thí sinh nào cũng phù hợp theo học. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển không nên theo trào lưu “hot trend”.

Xu hướng 4.0

Theo PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, kinh tế - xã hội phát triển, cùng với sự bùng nổ của khoa học và công nghệ đã kéo theo nhiều xu hướng mới ra đời.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của ChatGPT báo hiệu nhiều ngành nghề sẽ mất đi nhưng cũng có thêm nhiều ngành mới. Vì vậy những ngành học gắn với công nghệ có tiềm năng phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tương lai. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học đã và đang thay đổi nhằm thích nghi với sự phát triển, đồng bộ cùng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội… theo hướng chuyển đổi số.

“Tuy nhiên, tất cả lĩnh vực, ngành nghề chúng ta đang đào tạo đều cần cho nền kinh tế, xã hội, không phải vì cách mạng 4.0 nên chúng ta chỉ đào tạo những ngành vận dụng, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, cần có sự cân bằng giữa nguồn nhân lực trong các lĩnh vực” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, những ngành học được gọi là “4.0” là xu hướng không thể tránh khỏi. Cả cơ sở đào tạo và thí sinh cần nắm bắt kịp thời để có thể theo kịp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Các ngành liên quan tới trí tuệ nhân tạo, Robotics, Fintech, Khoa học dữ liệu… đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học.

Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - nhận thấy, một số ngành như: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử… đang nổi lên vì liên quan đến công nghệ 4.0. Tuy nhiên, khi lựa chọn ngành học, thí sinh không nhất thiết phải căn cứ vào ngành đó có “hot” hay không.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

“Trong thời đại công nghệ 4.0, tất cả lĩnh vực đều có xu hướng liên quan đến công nghệ thông tin. Vì thế, thí sinh không nên bóc tách mà cần xem bản thân có phù hợp với ngành học đó hay không. Không phải ai cũng có thể học những ngành công nghệ 4.0 do đó không nên đăng ký xét tuyển theo trào lưu” - PGS.TS Phạm Văn Bổng nhắn nhủ.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong Cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2023”. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong Cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2023”. Ảnh: NTCC

Lấy ví dụ từ thực tế, PGS.TS Trần Trọng Nguyên cho hay, nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào hoặc số đông và cho rằng ngành đó đang “hot”, là xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Song các em chưa hiểu biết và yêu thích ngành đó. Sau một thời gian học tập, nhiều em thấy không phù hợp và mất đi động lực học tập. “Điều quan trọng các em cần biết bản thân mình thích ngành gì, năng lực có phù hợp hay không?” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên tư vấn, đồng thời khuyến cáo, thí sinh có thể vào website cơ sở giáo dục đại học để tìm hiểu thông tin… từ đó có được lựa chọn phù hợp nhất.

Trong bối cảnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot… ngày càng phát triển thì con người càng cần đến trái tim nhân văn. Từ quan điểm này, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, mối quan hệ giữa con người với giá trị nhân văn trong xã hội hiện đại cần được củng cố và quan tâm, nghiên cứu kỹ hơn… bởi con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.

“Thời gian qua, lĩnh vực KHXH&NV đã có nhiều biến đổi, bám sát với sự phát triển của đất nước. Vậy nên, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu của công chúng và thị trường lao động. Nhiều ngành luôn có điểm trúng tuyển ở tốp cao. Ví dụ, ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học điểm chuẩn lên tới 29,9; 29,95 điểm” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương viện dẫn.

Những ngành truyền thống đang tự vận động, thay đổi, không hàn lâm như 20 năm trước. Xét một cách tổng thể, khối ngành KHXH&NV đóng góp nhiều cho phát triển bền vững của đất nước, chẳng hạn như các vấn đề về đạo đức, tư tưởng, chính trị, lịch sử, văn hóa... “Đó là những trụ cột để chúng ta phát triển xã hội bền vững” - PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhìn nhận.

Cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào cũng thiếu, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những lĩnh vực liên quan đến công nghệ 4.0 rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống. Đây là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại.

“Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, bác sĩ, văn hóa nghệ thuật… cũng không thể lơ là hay bỏ qua” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh cần sự chung tay của các bộ, ngành để có được dự báo tương đối chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngắn, trung và dài hạn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo và phát triển những điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp nhất, bắt kịp, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.

Với các cơ sở đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhìn nhận, các trường đang có kế hoạch, chiến lược và hành động đúng đắn đáp ứng nhu cầu xã hội. Mỗi ngành nghề mới mở ra đều gắn với yêu cầu và dựa trên nghiên cứu thị trường lao động. Trong mảng đào tạo, chúng ta phải có tính tiên phong, dự báo và đi trước để vừa hỗ trợ nhưng đôi khi cần định hướng. Với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, nếu chúng ta không là những trung tâm tri thức, sáng tạo ra tri thức mới thì khó có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp như vũ bão hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.
Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.