Đừng chọn nghề theo 'trend'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chọn ngành học theo nhu cầu của bản thân hay xu hướng xã hội (trend) là câu hỏi của nhiều thí sinh đặt ra trước mỗi mùa tuyển sinh.

Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Theo các chuyên gia, không có công thức chuẩn cho việc chọn ngành, chọn trường nhưng cần có sự hài hòa giữa các yếu tố.

Nhiều học sinh không xét tuyển đại học

Trường THPT Hoàng Mai 2 thành lập cách đây 7 năm với vùng tuyển sinh là các xã trung du của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Học sinh của trường chủ yếu là con em gia đình nông nghiệp, hoặc có bố mẹ làm ăn xa, nên điều kiện kinh tế nhìn chung còn khó khăn, vất vả. Theo lãnh đạo nhà trường, những năm qua, tỷ lệ phân luồng học sinh lớp 12 rất rõ nét so với các trường học khác trên địa bàn hoặc lân cận. Theo đó chỉ khoảng 30% đăng ký xét tuyển vào đại học, số còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT. Sau đó, các em có xu hướng đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động, du học…

Theo thầy Nguyễn Xuân Bài – Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước qua thống kê sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số lớp như 12A6, 12A8… không có em nào đăng ký nguyện vọng vào đại học. Năm nay, theo quy chế thi của Bộ GD&ĐT, học sinh đăng ký xét tuyển đại học sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT nên hiện chưa có con số phân luồng chính xác. Tuy nhiên, qua khảo sát trực tuyến của nhà trường, tỷ lệ không khác biệt nhiều so với năm trước. Số học sinh dự kiến xét tuyển vào đại học tập trung ở các lớp từ A1 - A5, còn lại nằm rải rác ở các lớp khác.

Lô Vi Khang (học sinh lớp 12A4, Trường THPT Tương Dương 2, huyện Tương Dương, Nghệ An) xác định cố gắng ôn tập để đậu tốt nghiệp. Sau đó, em đi làm kiếm tiền hoặc xuất khẩu lao động. “Hoàn cảnh khó khăn, chi phí để học đại học lớn quá. Lực học cũng ở mức trung bình nên em không có ý định vào đại học”, cậu học trò người Thái nói.

“Chi phí học đại học ở các thành phố lớn đắt đỏ trong khi điều kiện kinh tế - xã hội ở miền núi cao khó khăn. Chỉ những em học tốt, gia đình có điều kiện mới đầu tư cho con vào đại học. Còn lại sau khi có bằng tốt nghiệp THPT, các em sẽ hướng đến con đường đi làm, thậm chí tỷ lệ học nghề cũng chiếm số lượng ít”, thầy Mạnh chia sẻ.

Qua khảo sát của nhà trường, không chỉ Lô Vi Khang mà 100% học sinh lớp 12A4 đều không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Thầy Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 - cho hay, năm học này trường có 5 lớp 12 với hơn 250 học sinh. Nhiều năm nay, trường có khoảng 30% học sinh xét tuyển vào đại học. Số còn lại theo con đường xuất khẩu lao động hoặc đi làm luôn để có thu nhập.

Trường THPT Ngô Trí Hòa (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là trường ngoài công lập, đầu vào thấp hơn trường công lập và phần lớn có mục tiêu chỉ lấy bằng tốt nghiệp sau lớp 12.

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Cúc cho hay: Nắm bắt được đặc điểm, xu hướng của học sinh, nhà trường đã chủ động trong công tác hướng nghiệp. Mục tiêu định hướng cho học sinh qua cơ sở đào tạo nghề trước khi đi làm để có trình độ chuyên môn, tay nghề nhất định.

Cơ hội công việc và thu nhập sau này sẽ mở rộng hơn. Hiện, nhu cầu đi xuất khẩu lao động nhiều, nhất là học sinh các xã ven biển như Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Hải… Năm trước, nhà trường đã ký giấy xác nhận và xin bằng tốt nghiệp THPT sớm cho 22 học sinh đi xuất khẩu lao động.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Hài hòa lợi ích

Theo thống kê, mỗi năm có gần 1 triệu học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT. Trong số đó, hơn một nửa thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Với kinh nghiệm gần 30 năm giảng dạy, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động có sự dịch chuyển, bão giá và gặp nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh thì việc lựa chọn đúng và trúng ngành học, trường học càng có ý nghĩa quan trọng. Cần xác định, ngành nghề mong muốn, năng lực các em là gì để chọn phù hợp. Sau khi chọn được ngành yêu thích, mới chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, kinh tế gia đình.

“Trường có bề dày đào tạo, kinh nghiệm và chất lượng đào tạo tốt sẽ là điểm đến của nhiều thí sinh và sự cạnh tranh lớn hơn. Mặt khác, các em không nên bỏ qua những trường ‘trẻ’, vì thế mạnh của họ là tiếp cận, đổi mới và cập nhật nhanh” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên trao đổi, đồng thời tư vấn, thí sinh nên hài hòa và cân nhắc giữa nhu cầu cá nhân với xu hướng xã hội và kinh tế gia đình.

Nhấn mạnh, lựa chọn đại học cần kỹ lưỡng, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - nhìn nhận, nếu thí sinh “sơ sẩy” lựa chọn nhầm ngành nghề, cũng đừng quá bi quan; bởi chuyên môn nếu đánh giá đúng chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công, quan trọng là sự thích ứng và tự trau dồi của bản thân.

Từ kinh nghiệm nhiều năm đi tư vấn tuyển sinh, TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhắc lại vòng tròn Ikigai Nhật Bản, gồm chọn ngành sinh viên giỏi; ngành yêu thích; ngành mà xã hội cần và cuối cùng là ngành có thu nhập cao. Thí sinh chỉ chọn giao điểm của 2 vòng tròn là được; chẳng hạn như: Yêu thích và giỏi, mà không cần đến yếu tố thu nhập cao hay nhu cầu xã hội.

Đặt vấn đề, làm thế nào để biết ngành nào mình phù hợp? TS Nguyễn Quang Thuận chia sẻ, Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng trang thông tin hướng nghiệp, để khẳng định tính cách của học sinh, sinh viên qua những bài kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở đó, các em xác định ngành nào mình phù hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm trước. Các khâu trong quá trình tuyển sinh được thực hiện trực tuyến. Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã ngành, không đăng ký theo tổ hợp hay phương thức xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ