Thí sinh không nên đăng ký một nguyện vọng xét tuyển

GD&TĐ - Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển. Vì vậy, các em không nên đăng ký duy nhất một nguyện vọng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Nam Sách II (Hải Dương).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Nam Sách II (Hải Dương).

Chia thành 3 nhóm

Từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống).Tuy nhiên, thí sinh cần biết tận dụng cơ hội này để gia tăng tối đa cơ hội trúng tuyển.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, vì thế PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển khuyên thí sinh không nên đăng ký duy nhất một nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều.

Theo kinh nghiệm của PGS.TS Trần Trọng Nguyên, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống, thí sinh nên chia thành 3 nhóm.

Nhóm nguyện vọng thứ nhất, xếp lên cao nhất. Đây là nguyện vọng các em yêu thích, có phần hơi “mơ mộng” một chút. Tức là điểm chuẩn các năm cao hơn so với sức của mình.

“Quá trình xét tuyển có thể có những biến động, nếu thí sinh không đăng ký vào nguyện vọng yêu thích (vì nghĩ rằng quá sức) mà điểm của các em lại đạt được mức có thể trúng tuyển, khi đó các em sẽ thấy rất đáng tiếc” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên chia sẻ.

Thí sinh được phép sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, từ trên xuống dưới. Nếu có trượt những nguyện vọng này thì vẫn còn cơ hội ở các nguyện vọng phía dưới.

Nhóm thứ hai vừa sức với mình. Lúc này, thí sinh có thể cân nhắc các trường cùng đào tạo ngành đó để lựa chọn trường theo ý thích của mình.

Nhóm nguyện vọng thứ ba, thí sinh nên chọn thêm một nhóm mang tính “phòng thủ” đề phòng rủi ro. Tức là, các em nên đăng ký nguyện vọng dưới năng lực của mình một chút.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển.

Theo Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, mức độ biến động điểm có thể khác nhau theo từng năm. Nếu thí sinh chỉ soi xét vào điểm chuẩn các năm trước để đưa ra quyết định thì có thể dẫn đến những sai lệch. Do vậy, để đảm bảo không bị lỡ cơ hội ở năm nay, thí sinh nên có một nhóm nguyện vọng “phòng thủ” ở phía dưới.

“Chúng tôi chứng kiến nhiều thí sinh do thiếu thông tin nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển chỉ vì “học theo bạn bè”. Có thí sinh đăng ký ngành học được cho là “đẳng cấp”, trong khi các em không thực sự yêu thích, chưa tìm hiểu về ngành đó.

Kết quả là sau khi vào trường một vài năm mới thấy “vỡ mộng”. Các em có xu hướng muốn chuyển ngành, động cơ học tập sẽ không còn nữa” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên nêu thực trạng.

Cân nhắc kỹ trước khi “bấm nút” đăng ký

Để chọn được ngành học phù hợp, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển tư vấn, đầu tiên thí sinh phải xem mình yêu thích cái gì, năng lực của mình có đáp ứng hay không.

Ví dụ, thí sinh rất thích ngành A nhưng để theo học thì yêu cầu đầu tư rất lớn về tài chính, điều kiện sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nếu tài chính và sức khỏe không đáp ứng, thì thí sinh cũng không nhất thiết phải vào học ngành đó.

Sau khi chọn được ngành nghề yêu thích, thí sinh nên tìm hiểu kỹ bằng nhiều cách như: vào website các trường có đào tạo ngành đó để tìm hiểu cơ hội đầu ra, vị trí việc làm… có đúng với sở thích, kỳ vọng của mình không.

Bên cạnh đó, thí sinh có thể tìm hiểu thêm thông tin qua người thân hay các anh chị sinh viên khóa trước. “Đây là kênh tham khảo hữu ích cho các em vì sinh viên khóa trước đã học và từng trải rồi nên sẽ cho cảm nhận sát thực, chính xác hơn” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa.

Nhắc lại quy định tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) – nhấn mạnh, điều quan trọng là thí sinh phải đọc kỹ quy chế tuyển sinh cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của các trường và thực hiện đúng, đủ quy trình.

Khi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần sắp xếp những nguyện vọng phù hợp nhất lên cao. Dù các em có nhiều lựa chọn, không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.

Do đó, các em cần cân nhắc từng nguyện vọng và tính toán thứ tự đúng, trúng, phù hợp. Ngoài ra, việc lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng cũng cần căn cứ vào mức điểm

Thí sinh có 21 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Khoảng thời gian này đủ để các em suy nghĩ lựa chọn nguyện vọng. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi “bấm nút” đăng ký.

“Khi thí sinh đăng ký lên hệ thống, cần kiểm tra lại thật kỹ việc các nguyện vọng và thứ tự các nguyện vọng. Việc này, sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyến nghị.

Từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, bao gồm cả những nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khuyến cáo, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên bởi thời điểm này này mới là đăng ký nguyện vọng chính thức.

Lưu ý, những nguyện vọng thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện khi tham gia xét tuyển sớm đều chưa là chính thức. Bắt buộc thí sinh phải đăng ký lại trên Hệ thống, nếu thiếu bước này, các em không thể chính thức trúng tuyển.

Hệ thống giúp thí sinh xác định trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên nhất, dành những vị trí khác cho những thí sinh khác. Trong thời gian quy định, thí sinh có thể chỉnh sửa nguyện vọng theo ý muốn của mình. Vẫn còn nhiều thời gian để các em suy nghĩ, cân nhắc.

Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG.

Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG.

Nhắc lại câu chuyện năm trước, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, có trường hợp thí sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vì cho rằng chắc chắn sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng đó.

Tuy nhiên, các em nhầm về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Tức là lầm tưởng mình sẽ được mức điểm ưu tiên nên chắc chắn trúng tuyển vào trường đã đăng ký. Đến khi xem xét lại các minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, thì thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng đã đăng ký.

“Đây sai lầm và là bài học cho thí sinh trong năm nay, để đừng chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất”- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Thí sinh cần ghi nhớ một số điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.