Động viên nhau vượt qua dịch bệnh
Trong hai tuần giãn cách xã hội, tác giả trẻ Dy Khoa hoàn thành cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch” kể về câu chuyện 11 năm trước dương tính với cúm A/H1N1 và động viên mọi người vượt qua đại dịch Covid-19 hiện tại. Dy Khoa đã có một buổi giao lưu và ra mắt sách với chủ đề “Mùa này mình chỉ nói thương nhau” khá thành công tại Đường sách (Q.1, TPHCM).
Dy Khoa tên thật là Nguyễn Hoàng Anh Khoa, hiện làm việc trong ngành truyền thông tại TPHCM. Đồng thời, Dy Khoa cũng là một cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng đam mê xê dịch thông qua các câu chuyện và góc nhìn khác biệt.
Ấn phẩm “Đi qua hai mùa dịch” được chia thành hai phần: Mùa dịch 11 năm trước và Câu chuyện mùa dịch Covid-19. Trong phần I, Dy Khoa nhắc về câu chuyện của chính mình, từng là một bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1. Phần này được kể khá chi tiết từ khi anh có biểu hiện sốt đến khi được xuất viện.
Xung quanh đó là những tình cảm đáng quý giữa những bệnh nhân với nhau và với các nhân viên y tế. Tác giả nhấn mạnh về sự may mắn khi nhận được yêu thương, giúp đỡ từ mọi người, nhất là mẹ của mình. Điều may mắn nhất trong cuộc đời là trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta vẫn còn mẹ, còn người thân bên cạnh.
Ở phần II của ấn phẩm, tác giả trong vai một người quan sát, lắng nghe tâm sự từ mọi người về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cộng đồng. Có những người bạn hàng rơi nước mắt, có những người bạn bị mất thu nhập…
Và còn có vô số cảm xúc tiêu cực khác trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, mọi người đang chất chứa ít nhiều nguồn năng lượng tiêu cực. Nó có thể là bực bội từ chuyện cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch.
Ai trong chúng ta đều trở thành những cá thể dễ dàng buồn, dễ dàng căng thẳng và cuối cùng là dễ dàng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Dy Khoa gợi ý một số bài tập, lời khuyên để gia tăng tích cực, cổ vũ vượt qua đại dịch.
Theo Dy Khoa, đội ngũ y bác sĩ cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt. Việc chọn nghề y vừa là sứ mệnh vừa là áp lực về tâm lý. Họ cũng có rất nhiều trăn trở với nghề, có những quyết định thép trước những giây phút sinh tử mà người nhà bệnh nhân đặt niềm tin vào họ.
Nhưng không phải lúc nào bệnh nhân cũng may mắn vượt qua cửa sinh tử. Bác sĩ cũng có nhiều nỗi buồn không đếm xuể, cũng không thể chia sẻ. Tác giả cứ nhớ mãi câu nói của một bác sĩ cấp cứu mình quen biết từng nói: “Thật ra mình cũng muốn khóc lắm. Nhưng ca nào cũng khóc thì không còn sức để làm việc” .
“Cuốn sách kể về 2 lần dịch bệnh làm cả thế giới chao đảo từ góc độ cá nhân. Cái nhìn về dịch bệnh của 11 năm trước và 11 năm sau của tôi cũng đã có nhiều khác biệt do sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết quan tâm hơn đến mọi người.
Đặc biệt, “Đi qua hai mùa dịch” cũng là lời cảm ơn đặc biệt của tôi đến với mẹ của mình, cũng như đội ngũ nhân viên y tế, họ là những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Họ cũng có những điều trăn trở của mình. Vậy nên chọn yêu thương để đối xử với nhau sẽ tốt hơn” - Dy Khoa chia sẻ.
Bỉnh Khôi: Viết sách do thất nghiệp
Bỉnh Khôi tên đầy đủ là Phạm Bỉnh Khôi, sinh ra ở Cần Thơ. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam Trường ĐH Văn Hiến. Cây bút 9X này từng có kinh nghiệm làm việc tại nhiều tập đoàn truyền thông ở Việt Nam. Bỉnh Khôi cũng là người sáng tập Công ty Truyền thông TL Media Agency.
Ấn phẩm “Những chuyến tàu mùa hè” của tác giả trẻ Bỉnh Khôi (hiện công tác tại một công ty truyền thông) do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TPHCM xuất bản trình làng dịp tháng 5/2020.
“Những chuyến tàu mùa hè” gồm những câu chuyện bình dị về gia đình được tác giả Bỉnh Khôi diễn đạt theo cách trải nghiệm của chính mình: “Nhiều người trong chúng ta khi vừa mới chào đời đã phải gánh chịu một cuộc sống bất hạnh vì không có một gia đình hoàn thiện”.
Tuy nhiên, nỗi bất hạnh càng lớn hơn khi chúng ta có một gia đình hoàn hảo, lớn lên giữa sự đùm bọc của bố mẹ nhưng rồi đến một ngày từng người thân yêu phải lần lượt nói lời từ giã cuộc đời và chúng ta thì còn quá trẻ để chứng kiến sự mất mát đó…
Với 20 truyện ngắn, tản văn cùng những câu chuyện kể xoay quanh gia đình của tác giả 9X như nói hộ tâm tư của rất nhiều người trẻ đang bước đi trên con đường chinh phục ước mơ và đối diện với cảnh “sự nghiệp chưa tới đâu còn ba mẹ thì đang già yếu đi từng ngày”.
Điều bất ngờ là dù chăm chút trên từng câu chữ nhưng Bình Khôi cho biết viết sách chỉ để chia sẻ những trải nghiệm của mình chứ không dự định trở thành nhà văn hay cây viết đình đám gì cả.
“Tôi bắt đầu viết quyển sách này vào mùa hè năm 2018. Đó là quãng thời gian tôi thất nghiệp trở về nhà sống cùng bố mẹ trong suốt 3 tháng. Kể từ sau khi tốt nghiệp đại học, đó là quãng thời gian tôi được ở bên cạnh ba mẹ mình nhiều đến thế.
Hằng ngày chứng kiến cảnh bố mẹ đang già đi theo năm tháng nhưng phải gồng gánh lo cho mình, bản thân lại không làm được gì đã khiến tôi vô cùng bức bối. Sau đó, tôi đã trở về Sài Gòn, quyết tâm tìm kiếm một công việc mới, phù hợp để có thể giúp đỡ gia đình. Hơn một năm sau, khi cuộc sống của tôi ổn định thì bố mẹ tôi đã không còn khỏe nữa…”, Bỉnh Khôi chia sẻ
Khương Teddy với tình yêu bóng đá
Là người có niềm đam mê bất tận với bóng đá, tác giả trẻ Khương Teddy dồn hết tình yêu vào trong ấn phẩm “Bông Cẩm tú cầu” do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM xuất bản vào tháng 9/2020. Tác giả Khương Teddy tên thật là Võ Duy Khương (SN 1998), vừa tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí thể thao thuộc Khoa Truyền thông & Giải trí, Trường ĐH Seattle (Mỹ).
Trước đây, vào năm 2018, 2019, Khương Teddy hợp tác cùng với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, xuất bản hai tập sách “Ngày tôi còn bé” và “Đội trưởng”. Ấn phẩm đón nhận rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của độc giả, bè bạn và gia đình.
Nội dung chính của ấn phẩm “Bông Cẩm tú cầu” là bóng đá, vốn là niềm đam mê bất tận của tác giả Khương Teddy và của chính nhân vật Hiếu Minh trong tác phẩm. Tác giả hóa thân vào nam nhân vật chính là Hiếu Minh - một cậu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân với năng khiếu bóng đá trời phú.
Bài học mà Hiếu Minh đúc kết từ niềm say mê với túc cầu, từ quá trình tham gia thi đấu trong nước cho đến quốc tế, đó chính là sự nghiêm túc về kỷ luật, tinh thần đồng đội và hơn hết là một tinh thần đỏ thẫm của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc quật cường trong từng trận đấu.
“Tôi muốn kể lại câu chuyện về cuộc đời của một cậu học sinh cấp 3, một cậu học sinh có năng khiếu đá bóng trời sinh và nhờ đó mà cậu đã có một chuyến xuất ngoại đầy ý nghĩa sang đất Nhật Bản. Trên chặng hành trình đó, cậu ta làm nên một sự nghiệp đầy viên mãn và cũng có cho mình những câu chuyện tình, những chuyện trắc trở” - tác giả Khương Teddy chia sẻ.
Xen lẫn trong tự truyện của Hiếu Minh về vô vàn chuyến du đấu trên nhiều sân cỏ quốc tế trong màu áo câu lạc bộ lẫn Đội tuyển Quốc gia, chính là những kỷ niệm đầy thơ mộng của chuyện tình với cô bạn học cùng khối 12 nơi ngôi trường Nguyễn Hữu Huân thân thương là Khả Viên. Đó là buổi hẹn đi xem phim đầu tiên, rồi những buổi cùng nhau dạo phố, đi ăn chè, và nụ hôn đầu đời thật nồng nhiệt…
Điều đọng lại và cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi qua ấn phẩm là: “Trong mỗi người chúng ta, tình yêu luôn là một khái niệm rất đẹp. Và ắt hẳn, không ít người trong chúng ta từng trải qua một tình đầu lãng mạn, hay một mối quan hệ dở dang vì vài ba cách trở khách quan.
Nhưng tựu trung lại, dù là tình đầu hay tình cuối thì sự mộc mạc của mọi nhịp đập yêu thương mãi là xúc tác tuyệt vời cho cuộc sống. Tình yêu, ở chừng mực nào đó, giống như khát vọng của tuổi trẻ, đó là hoài bão được trải nghiệm, được sống, được học tập, được làm công việc yêu thích, được phụng sự xã hội cũng như được “cháy hết mình” với môn thể thao mà mình hết sức đam mê”.
Dân kế toán ẵm nhiều giải thưởng viết lách
Trước đây một thời gian, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM chào ra mắt sách “Mình gọi nhau là cưng” của tác giả trẻ Trúc Thiên. Trúc Thiên tên thật là Tống Phước Bảo - hiện đang làm kế toán cho một công ty ở TPHCM.
“Mình gọi nhau là cưng” của tác giả 8X với 15 lát cắt số phận mang hơi thở hiện đại xoay quanh chủ đề tình yêu. Xuyên suốt tập sách, người đọc như được hòa mình, được sống trong không gian thấm đẫm tình người qua từng áng văn ấn tượng như: Hạt thương nảy mầm, Duyên lành, Bữa trà cuối năm, Người biết thương người, Đàn ông, đàn bà, trà và cà phê, Mình thương nhau đi, Mình gọi nhau là cưng...
Đến với “Mình gọi nhau là cưng”, người đọc dễ tìm thấy những mảnh tình vừa sâu lắng vừa khuấy động theo diễn tiến của tình yêu được Trúc Thiên khéo léo cài đặt tinh tế qua từng câu chữ nhẹ nhàng như nói hộ tâm tình của nhân vật.
Như với truyện Hạt thương nảy mầm, cái tình được nhân vật gieo và không ngừng nuôi dưỡng hy vọng “Cứ gieo thật nhiều giống tốt trên quãng đường mình đi qua. Rồi ắt có ngày, từ đó hạt thương sẽ nảy mầm. Chỉ khi con người ta biết thương nhau mà sống. Mọi điều trong cuộc đời này mới nhẹ như không”.
Gây bất ngờ hơn nữa, tại cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” do nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM tổ chức vào tháng 10/2019, tác giả Tống Phước Bảo (Trúc Thiên) đã đoạt giải Nhất với truyện ngắn “Tràng Phan”.
Theo lời một lãnh đạo NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, việc các NXB khai thác sâu về mảng đề tài theo hướng văn chương thực tế từ những cây bút không chuyên/đang là dân văn phòng, sẽ góp thêm luồng sinh khí mới, làm giàu thêm dinh dưỡng tâm hồn cho bạn đọc, cho đời sống văn chương đương đại.