Sách dịch chiếm đa số
Lâu nay, thể loại sách dành cho thiếu nhi vẫn chủ yếu là sách dịch. Nhìn vào số lượng sách viết cho trong năm vừa qua cho thiếu nhi, mảng văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước bị đánh giá là khá ít ỏi với lượng sách xuất bản chỉ chiếm khoảng 20% tổng số sách thiếu nhi được xuất bản.
Những tác phẩm hay chủ yếu là của những tác giả thuộc các thế hệ trước đó. Điểm lại danh sách những tác phẩm được thiếu nhi yêu thích vẫn là “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Quê nội” (Võ Quảng), “Chuyện hoa, chuyện qua” (Phạm Hổ), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng)… và gần đây là những sáng tác của tác giả Nguyễn Nhật Ánh với “Kính vạn hoa”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”…
Chị Nguyễn Thu Nga, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Chị thường hay chọn mua sách, truyện cho con của nhà sách Kim Đồng. Song những truyện thiếu nhi hay của các tác giả Việt Nam lại chủ yếu là những tác phẩm mà thế hệ chị ngày xưa vẫn hay tìm đọc. Những tác phẩm mới mà hay không nhiều nhưng cũng chỉ tập chung ở một số tác giả. Chính điều này khiến cho thể loại văn học dành cho thiếu nhi kém sự đa dạng và phong phú.
Những người vốn quan tâm và yêu mến thể loại sách viết cho thiếu nhi đều cho rằng: Viết cho thiếu nhi khó bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do phần lớn người viết đã trải qua tuổi thơ nên sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc khai thác mảng đề tài này. Khi viết, các tác giả thường có xu hướng nhớ lại về chính tuổi thơ của mình, hoặc lấy đó làm chất liệu để sáng tác.
Song cuộc sống hiện nay đã có nhiều đổi thay nên gu thẩm mỹ cũng như cảm xúc thế hệ thiếu nhi hôm nay cũng có những sự khác biệt. Bên cạnh đó, nhuận bút dành cho những tác phẩm này cũng hạn chế, vậy nên để có thêm những tác phẩm hay viết cho các em cần phải có sự hỗ trợ từ những nguồn kinh phí hay những khích lệ từ các cuộc thi.
Đợi chờ những cây bút trẻ
Trong mảng văn học viết cho thiếu nhi, ngoài Nguyễn Nhật Ánh thì số lượng tác giả có tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi gây được tiếng vang có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tác giả viết về văn học thiếu nhi hiện nay được biết đến là những cái tên như Lê Hữu Nam, Phương Huyền, Vũ Hương Nam, Đinh Thị Thu Hằng, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Thị Kim Hòa... Bên cạnh đó, những tác giả nhỏ tuổi như Đan Thy, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam... cũng đã ra mắt những tác phẩm đầu tay mang dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, về chiều sâu và độ chín của những cây bút này còn có những hạn chế nhất định.
Cuối năm 2016, nhà văn Lê Hữu Nam giới thiệu tác phẩm viết cho thiếu nhi của mình với nhan đề “Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ếch xanh”. Trước đó vào năm 2015, nhà văn cũng đã ra mắt tác phẩm “Mật ngữ rừng xanh”. Đây cũng là tác phẩm được nhiều bạn nhỏ yêu thích và đã nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn TPHCM năm 2015. Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ếch xanh” được đánh giá cao ở nội dung khi đưa bạn đọc nhỏ tuổi hòa mình cùng thiên nhiên và gắn với ý tưởng bảo vệ môi trường. Song ở góc độ hình thức thể hiện, các tác phẩm này chưa thực sự có tính đột phá vẫn theo mô típ quen thuộc của các tác phẩm thiếu nhi Việt Nam.
Tại các hội thảo về sáng tác cho thiếu nhi, thực trạng thiếu người viết, thiếu tác phẩm luôn được xem là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Thậm chí có những tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng thực chất là để người lớn đọc. Chính quan niệm “viết cho thiếu nhi” từ góc nhìn của người lớn, lồng ghép trong truyện những “thông điệp giáo dục” đã khiến tác phẩm trở nên khiên cưỡng, khô cứng, không thu hút được độc giả.