Dân nhọc nhằn mưu sinh sau các dự án thủy điện ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu nước và đất sản xuất, nhiều người phải bỏ khu tái định để bám víu lại những ngôi làng cũ sau các dự án thuỷ điện ở Kon Tum.

Khu tái định cư Xô Luông đìu hiu trên mỏm đồi.
Khu tái định cư Xô Luông đìu hiu trên mỏm đồi.

Sống mòn ở các khu tái định cư thiếu đủ thứ

Những căn nhà ở khu tái định cư thôn Pa Cheng xập xệ, xuống cấp.

Những căn nhà ở khu tái định cư thôn Pa Cheng xập xệ, xuống cấp.

“Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) cho hay, năm 2013 có 86 hộ dân người Ca Dong di chuyển lên sinh sống tại khu tái định cư Xô Luông cách làng cũ 10km. Thế nhưng, trước tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và xung đột về đất đai nên nhiều hộ đã quay về sinh sống tại làng cũ. Hiện nay, Công ty CP thủy điện Đăk Đ’ring còn nợ hơn 28 tỉ đồng tiền đền bù đất cho người dân làng Tu Rét. Đây cũng là lý do khiến người dân khu tái định cư và làng Tu Rét tranh chấp nên nhiều hộ quay về làng cũ sinh sống”.

Sáng tinh mơ, ông A Hanh (50 tuổi, trú làng Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thức dậy, chuẩn bị dụng cụ để lên nương.

Ông A Hanh bảo rằng, 10 năm trước hai làng Vương và Xô Luông đã nhường đất cho lòng hồ thủy điện Đăk Đ’ring. Lúc bấy giờ thủy điện hứa hẹn sẽ đền bù cho người dân bằng cách xây nhà tái định cư, 1ha đất sản xuất, 4 sào ruộng, hỗ trợ nghề nghiệp cho con em đi học.

Để có đất hỗ trợ người dân 2 làng Vương và Xô Luông, thủy điện Đăk Đ’ring đã thu hồi đất của người dân tại làng Tu Rét, hứa hẹn trong 5 năm sẽ đền bù hết số tiền. Thế nhưng, đến nay sau gần 10 năm tích nước và vận hành, câu chuyện đền bù cho người dân làng Tu Rét vẫn chưa được thực hiện.

“Mặc dù gia đình được xây nhà, cấp đất sản xuất ở khu tái định cư, nhưng do thiếu nước, đất… nên mình cũng như nhiều hộ khác quay về làng cũ. Bởi ở khu tái định cư, thuỷ điện chưa đền bù cho người dân làng Tu Rét nên đất đai vẫn còn tranh chấp dẫn đến cuộc sống bấp bênh. May mắn gia đình vẫn còn đất ở làng cũ nên dắt díu nhau về đây làm nương rẫy sống qua ngày”, ông A Hanh nói.

Nhường 3ha cho thuỷ điện làm khu tái định cư được 10 năm nay, nhưng gia đình ông A Vúc (59 tuổi, làng Tu Rét) vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

“Năm nào thuỷ điện cũng hứa hẹn trả tiền đền bù đất. Thế nhưng đã 10 năm trôi qua khoản tiền đó vẫn bặt vô âm tín. Đất đã nhường cho thuỷ điện, tiền vẫn chưa nhận được nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sản xuất của bà con. Chúng tôi mong thuỷ điện sớm trả tiền đền bù để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất”, ông A Vúc nói.

Không còn đất ở làng cũ, bà Y Grich (46 tuổi) cùng gia đình phải bám trụ lại khu tái định cư Xô Luông. Những căn nhà xây nằm chênh vênh trên mỏm đồi, chiều xuống vắng hoe. Một số căn nhà đã hư hỏng, xuống cấp và cỏ mọc um tùm, che hết lối đi do không có người sinh sống.

Bà Y Grich cho hay, trước kia gia đình bà có 3ha đất sản xuất ở làng Xô Luông. Với diện tích trên, mỗi năm trồng keo và cau cho thu nhập được khoảng 60-70 triệu đồng. Đến năm 2013 sau khi nhường hết đất cho Công ty CP thủy điện Đăk Đ’ring, gia đình bà về khu tái định cư sinh sống. Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn, thế nhưng bà con lại thiếu thốn trăm bề.

“Vào mùa khô, khu tái định cư lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mỗi ngày nhà mình phải gánh khoảng 20-30 lít nước từ điểm lấy nước cộng đồng về sử dụng. Còn 1ha đất sản xuất được cấp, gia đình cũng chẳng thể canh tác.

Bởi thuỷ điện chưa đền bù cho bà con làng Tu Rét nên họ không muốn cho người khác trồng trọt trên mảnh đất cha ông mình. Nhiều người không thể tiếp tục sinh sống nên đành quay về làng cũ. Còn gia đình dù khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn phải bám trụ lại bởi đã lỡ nhường hết đất cho thuỷ điện rồi”, bà Y Grich bộc bạch.

Ông A Hanh bỏ khu tái định cư về làng cũ vì thiếu nước và không có đất sản xuất.

Ông A Hanh bỏ khu tái định cư về làng cũ vì thiếu nước và không có đất sản xuất.

Mong sớm được trả tiền đền bù

Khu tái định cư thôn Pa Cheng (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi người dân thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt.

Theo tìm hiểu, Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là xã Đăk Long), huyện Đăk Hà được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt cuối năm 2009. Dự án được giao UBND huyện Đăk Hà làm Chủ đầu tư với diện tích quy hoạch 690ha, tổng mức đầu tư hơn 149 tỉ đồng.

Dự án được triển khai từ năm 2009, đến năm 2018 hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục tiêu đảm bảo đời sống cho 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long, sau khi khu tái định cư hoàn thành chỉ có 21/50 hộ chuyển khẩu đến địa phương. Hiện tại chỉ có 8 hộ dân ở ổn định, còn lại bà con canh tác ở khu sản xuất rồi về làng cũ sinh sống.

Trở về nhà sau một ngày lên nương, bà Y Mít (41 tuổi) cho biết, năm 2009, gia đình bà cùng nhiều hộ dân tại thị trấn Đăk Hà và xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) đã di dời để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Plei Krông rồi dắt díu nhau lên khu tái định cư thôn Pa Cheng sinh sống.

Với số tiền gần 30 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình cất tạm căn nhà nhỏ để che mưa, che nắng. Còn 500 gốc cà phê được cấp, gia đình cố gắng chăm sóc với hy vọng sẽ có thu nhập ổn định, thế nhưng đời sống vẫn bấp bênh.

“Đất sản xuất không nhiều, lại thiếu nước sinh hoạt nên cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Mặc dù chính quyền đã khoan giếng cho bà con, nhưng vẫn không đảm bảo. Có những hôm quá tải, máy bơm cháy bà con phải góp tiền vào sửa chữa hoặc mua mới. Cũng vì thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác nên nhiều gia đình chối từ khu tái định cư này”, bà Y Mít nói.

Nhường hết đất cho thuỷ điện nên gia đình bà Y Grich đành ở lại khu tái định cư Xô Luông.

Nhường hết đất cho thuỷ điện nên gia đình bà Y Grich đành ở lại khu tái định cư Xô Luông.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, liên quan đến hai khu tái định cư thôn Pa Cheng và Xô Luông, tại các cuộc họp đơn vị đã chỉ đạo địa phương cần đánh giá lại những tồn tại, vướng mắc. Qua đó chủ động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân để bà con ổn định cuộc sống.

Riêng khu tái định cư Xô Luông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo huyện phối hợp với các sở, ngành có liên quan để kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhằm tham mưu cho Chính phủ để có hướng giải quyết việc đền bù cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.