Kon Tum: Báo cáo tổng thể dự án tái định cư thủy điện Đăk Đrinh

GD&TĐ - Các ngành chức năng tỉnh Kon Tum đang rà soát để báo cáo tổng thể lại dự án tái định cư Đăk Đrinh. Từ đó, có biện pháp xử lý, khắc phục để ổn định cuộc sống cho người dân.

Khu tái định cư cỏ mọc um tùm, nhà cửa xuống cấp.
Khu tái định cư cỏ mọc um tùm, nhà cửa xuống cấp.

Liên quan đến việc dự án thủy điện Đăk Đrinh (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nợ hơn 30 tỷ đồng tiền đền bù của người dân, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, đơn vị đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Kon Plông kiểm tra, báo cáo tổng thể lại dự án Tái định cư Đăk Đrinh.

Theo ông Tháp, liên quan vấn đề này UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ ngành Trung ương có liên quan và Chính phủ xem xét, giải quyết. Sau khi có ý kiến của các Bộ ngành Trung ương, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, UBND huyện Kon Plông và Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Đrinh triển khai thực hiện theo quy định.

Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để xảy ra việc nợ tiền đền bù của người dân thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Đrinh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho hay, toàn bộ phần đền bù và giải phóng mặt bằng là tiểu dự án đã được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Kon Plông làm chủ trì.

Theo ông Nhất, khi chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức dự án lần 2 thì qua thẩm định Bộ Công Thương phát hiện tiền đền bù vượt quá quy định của Chính phủ. Nhưng do đơn vị đầu tư có phần vốn Nhà nước nên Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chính thức.

Cũng theo ông Nhất, một phần số tiền nợ của dự án đã được xử lý. Số tiền còn lại nằm trong phần đền bù đất khi thu hồi để làm khu tái định cư. Hiện tại, số tiền đền bù này chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua nên thủy điện Đăk Đrinh chưa có cơ sở để chuyển cho bà con. Tuy nhiên, trong tổng mức đầu tư được phê duyệt đã có phần kinh phí bố trí dự phòng.

Một lãnh đạo Huyện ủy Kon Plông cho biết, thủy điện Đăk Đrinh triển khai song hành với thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy nhiên, thủy điện Thượng Kon Tum do doanh nghiệp tư nhân thực hiện nên chi trả tiền bồi thường cho người dân cao hơn. Do đó, khi thực hiện đền bù dự án thủy điện Đăk Đrinh người dân phản ứng và cho rằng thấp hơn Thượng Kon Tum.

“Mọi cái đền bù đất đai là xong rồi, còn đây là mức độ hỗ trợ tương xứng với Thượng Kon Tum nên mới phát sinh cái này (tiền đền bù còn nợ của người dân - PV). Do đó, mới trình ra Thủ tướng Chính phủ xem xét”, vị lãnh đạo Huyện ủy nói.

Trước đó, vào tháng 9/2009, dự án Thủy điện Đăk Đrinh được khởi công xây dựng. Nhà máy có công suất 125MW, nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Khi dự án được triển khai thực hiện, gần 200 hộ dân xã Đăk Nên (huyện Kon Plông) nằm ở vùng lòng hồ phải di dời đến khu tái định cư Vương - Xô Luông, nhường đất cho thủy điện. Để có đất hỗ trợ cho người dân 2 làng Vương và Xô Luông, thủy điện này đã thu hồi đất của người dân tại làng Tu Rét.

Thủy điện cũng hứa hẹn trong 5 năm sẽ đền bù hết số tiền từ diện tích đất đã thu hồi. Đồng thời dành ra một khoản tiền để hỗ trợ nghề nghiệp cho người dân Tu Rét. Thế nhưng, đến nay sau gần 10 năm tích nước và vận hành, việc đền bù cho người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Còn ở khu tái định cư, cuộc sống của người dân bấp bênh bởi đất đai cằn cỗi, bạc màu, ruộng lại thiếu nước nên cây trồng chẳng thể phát triển. Nhiều người dân lại kéo về sống gần lòng hồ thủy điện.

Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết, năm 2013, có 72/83 hộ dân đồng ý nhận nhà tái định cư. Tuy nhiên cho đến nay, đã có 37 hộ rời khỏi khu tái định cư để quay về làng cũ.

Hiện chủ đầu tư chưa chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăk Đrinh là hơn 33 tỷ đồng. Không những vậy, chưa nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ