Theo thống kê đến thời điểm này đã hơn 60 với trên 6.000 con cá vẩu, mú, hồng...cùng 3.600 con cá bớp giống vừa thả nuôi, cũng bị chết bất ngờ.
Điêu đứng vì cá chết
Ông Lê Văn Thọ - chủ nhiều lồng cá cạnh chân cầu Lăng Cô - cho biết: “Thật không tin nổi, chỉ sau vài giờ, 4 lồng gần 2.000 con cá bớp, vẩu, hồng... hơn 1 năm tuổi đều chết hàng loạt. Bây giờ chỉ vớt lên bán đổ bán tháo, được đồng nào hay đồng đó. Nuôi cá từ chục năm nay, chưa khi mô gia đình tôi thất bại nặng như ri”.
Ngoài gia đình ông Thọ, nhiều hộ nuôi cá lồng có giá trị kinh tế cao ở Lăng Cô như gia đình ông Nguyễn Văn Hải, Lê Văn Nam, Lê Thị Sa, đều lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Bình quân mỗi hộ mất trắng từ 3-5 lồng, mỗi lồng khoảng 500 con, trọng lượng cá đã đạt từ 0,7-1kg (gần đến kỳ thu hoạch).
Không chỉ ở thị trấn Lăng Cô xuất hiện tình trạng cá lồng nuôi trên đầm bị chết, nhiều ngư dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) phát hiện nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu… chết ngập cả bãi biển dài ở khu vực thôn Bình An, Phú Hải.
Vốn là ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, trú thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) vẫn không thể nào lý giải được hiện tượng cá biển chết với số lượng lớn. Nhiều loài cá vốn sinh sống ở đáy biển và rất khó để đánh bắt, thì nay cũng chết dạt bờ.
"Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tui thấy cá biển chết một cách kỳ lạ như vậy. Người dân ai cũng hiếu kỳ, muốn biết rõ nguyên nhân lắm", ông Thảo nói và cho hay nhiều ngư dân đã chấp nhận phơi thuyền, không vươn khơi nhiều ngày nay vì những chuyến đi biển giờ không còn nhiều cá để bắt.
"Hai hôm trước khi thủy triều dâng, nước biển tràn qua nhiều hồ nuôi. Đến khi thủy triều rút đi thì nhiều loài cá trong hồ và ở các con trong sông cũng chết dần, nổi lềnh bềnh" ông Thảo lo lắng.
Trao đổi về hiện tượng lạ này, ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh - cho biết: Tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 19/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20 km do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài sống cách xa bờ.
"Đây là hiện tượng rất kỳ lạ, từ trước đến nay tại địa phương chưa hề có. Có hôm, người dân nhặt được con cá vẩu biển nặng đến 35 kg" -Ông Minh nói. Khi cá chết nhiều, chính quyền đã khuyến cáo người dân không bơm nước từ biển vào hồ nuôi, không ăn cá chết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người dân thôn Phú Hải xã Lộc Vĩnh vớt cá chết từ biển trôi vào bờ |
Dân mong sớm làm rõ nguyên nhân
Trong khi đó, ngày 20/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo về việc cá biển ở xã Lộc Vĩnh và cá nuôi ở khu vực Lăng Cô, huyện Phú Lộc bị chết hàng loạt.
Theo báo cáo, dấu hiệu cá chết không có biểu hiện bệnh ở phần phụ, mang và nội tạng. Xác định ban đầu một số chỉ tiêu môi trường tại vùng nuôi lồng có cá chết bằng dụng cụ test nhanh: PO4 tầng đáy 1 mg/lít, pH 8,8; độ kiềm 89,5; độ mặn: 30o/oo.
Như vậy, chất lượng nước phú dưỡng PO4 tại thời điểm đo là 1 mg/lít (chỉ số tối đa cho phép chỉ 0,4 mg/lít) nên làm tăng độ pH; so sánh với độ pH vùng đầm phá và ven biển qua các năm thường biến động từ 7,5-8,3. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao.
Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, mùa có cá rò trôi là nước xấu, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiết oxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.
Ông Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) - cho hay: Không chỉ cá biển dạt bờ mà nhiều diện tích nuôi cá lồng của người dân ở Dốc Giềnh, thôn An Cư Đông (khu vực cửa biển Lăng Cô) cũng ghi nhận tình trạng cá chết. Gần 5 tấn cá của hơn 100 hộ dân nuôi nhiều giống như: hồng, mú, vẩu… đã chết, gây thiệt hại gần một tỷ đồng.
Theo ông Giảng, không loại trừ khả năng nước biển bị ô nhiễm nặng là nguyên nhân làm cho một lượng lớn cá chết trôi dạt vào bờ trên diện tích gần 21 km đường bờ biển tại Lăng Cô.