(GD&TĐ) - Xã Phú Hữu, huyện Châu Thành là một xã nghèo, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hậu Giang. Trước cảnh học sinh (HS) phải vất vả qua đò dọc, đò ngang, vượt hàng chục km để đến trường. Người dân nơi đây đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng 4 trường TH, 2 trường THCS và 1 trường Mẫu giáo.
Quyết tâm của địa phương
Xã Phú Hữu có 11 ấp, là một xã có địa bàn rộng, có nhiều kênh rạch nên việc đi lại của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Những năm trước đây, trường học còn thưa thớt nên các em HS trong xã đi học rất vất vả, phải đi bộ hoặc đi học bằng xuồng, ghe. Có em HS do nhà ở xa phải vượt 7- 8 km để đến trường, mùa khô còn có thể đi xe đạp được, đến mùa mưa thì đường sá lầy lội, nước ngập chỉ còn cách đi bộ.
Trước tình hình đó, Hội Khuyến học xã cùng ngành GD của địa phương đã tổ chức vận động bà con hiến đất xây dựng trường học. Phong trào vừa mới phát động, nhiều người trong xã đã đăng kí tình nguyện hiến đất mà không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Người dân xã Phú Hữu chủ yếu sống bằng nghề làm vườn, thu nhập chỉ theo mùa vụ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Ông Tô Văn Hà- Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã cho biết: “HS ở đây là con của nông dân. Họ hiến đất trên tinh thần tự nguyện với mong muốn địa phương có mái trường đàng hoàng, kiên cố để con em học tập. Có người hiến vài ngàn mét vuông đất vườn để xây trường, một số trường đã xây xong, một số trường đang xây dở dang.”
Trong 3 năm qua, nhân dân xã Phú Hữu đã hiến trên 10.000 m2 đất để xây dựng trường học, mặc dù giá đất tại xã Phú Hữu đang tăng lên do nhà nước đang đầu tư xây dựng, mở rộng lộ giao thông. Giá mỗi công (1000 m2) đất vườn cây ăn trái hiện nay giá trung bình khoảng trên 100 triệu đồng. Ban đầu chỉ có một vài người hiến, nhưng khi trường học xây dựng xong, lại có thêm nhiều người hiến đất, có người hiến vài trăm mét vuông, có người hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng trường học.
Tình nguyện hiến đất
Anh Phạm Văn Việt bên Trường TH Phú Hữu III mà anh hiến đất xây dựng |
Gia đình anh Phạm Văn Việt, người dân ấp Phú Tân đã hiến 3.500 m2 đất vườn cây ăn trái để xây dựng trường TH Phú Hữu III. Ngôi trường khang trang 1 trệt 1 lầu vừa được xây dựng xong với vốn đầu tư hơn 3 tỉ đồng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2009- 2010. Khi chúng tôi tìm đến gia đình anh Việt tại ấp Phú Tân, đang lúc trời mưa nhưng anh vẫn còn ở ngoài vườn thu hoạch bưởi, nguồn thu nhập chính của gia đình, cho 3 đứa con đang đi học. Anh cho biết, sau khi lập gia đình, anh và vợ dành dụm tiền mua được hơn 6.000 m2 đất vườn với giá 8 lượng vàng/ 1 công (thời giá hiện nay trên 200 triệu/công). Anh đã trồng bưởi năm roi trên toàn bộ diện tích, cuộc sống gia đình đã khá hơn khi vườn cây cho trái. Trước cảnh trường TH của xã còn tạm bợ, diện tích hẹp lại nằm kề khu vực bờ sông đang sạt lở nên rất nguy hiểm. Anh Việt đã quyết định hiến 3.500 m2 đất vườn của mình khi bưởi đang cho trái để xây dựng trường và nhà công vụ cho GV. Anh Việt tâm sự: “Tôi chỉ học tới lớp 11 rồi nghỉ vì trường lúc đó xa nhà quá mà gia đình mình nghèo nên phải nghỉ sớm. Bây giờ nhìn thấy con em đi học xa nên cũng đau lòng, mình có điều kiện thì góp phần cùng lo cho việc học của xã nhà”. Sau hơn 1 năm xây dựng, ngôi trường TH Phú Hữu III với qui mô 10 phòng học trên nền đất mà anh Việt hiến đã hoàn thành, nhà công vụ cho giáo viên đang xây dựng. Vào năm học 2009- 2010 sắp đến, con em của xã Phú Hữu sẽ được học trong ngôi trường mới này. Với những đóng góp đó, vừa qua anh Phạm Văn Việt được nhận bằng khen của Bộ GD& ĐT và bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang về thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Đệ bên ngôi trường đang xây dựng trên nền đất ông hiến |
Ông Nguyễn Văn Đệ, người đã 18 năm làm bảo vệ cho trường TH Phú Hữu III. Ông vừa được trường cho nghỉ hưu vào tháng 10 năm 2008, gia đình sống bằng nghề buôn bán nhỏ và thu nhập từ vuờn cây ăn trái. Ông Đệ có hơn 3000 m2 đất do do ông bà để lại một phần, còn một phần do ông tích góp mua được. Do trường mẫu giáo Phú Hữu đã xuống cấp, diện tích không đủ cho các cháu vui chơi, học tập, ông đã quyết định hiến 900 m2 đất của mình để trường xây dựng 3 phòng học mới. Hiện nay trường đang trong quá trình xây dựng, dự kiến trong năm 2010 trường sẽ xây dựng xong. Ông Nguyễn Văn Đệ nói: “Muốn cho các cháu có chỗ học, chỗ vui chơi ổn định, kiên cố nên tôi quết định hiến đất. Mặc dù cây trái đang thu hoạch nhưng tôi vẫn đốn bỏ để xây dựng. Còn một số cây dừa gần phòng học và bên ngoài tôi cũng đốn luôn, sợ dừa rụng gây nguy hiểm cho các cháu”.
Ở xã Phú Hữu còn có những điển hình trong phong trào hiến đất xây trường như bà Võ Thị Út Thanh, ấp Phú Tân, hiến 3000 m2 đất để xây trường THCS Phú Tân. Ngoài ra bà còn hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Tháng 9-2007, tại Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu tổ chức ở Hà Nội, bà Võ Thị Út Thanh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về sự đóng góp cho sự nghiệp GD.
Còn có gia đình ông Trần Văn Nhựt (Tư Nhựt) ấp Phú Lợi A, năm 2004 ông quyết định hiến 2.500 m2 đất để xây dựng trường TH Phú Hữu I. Ông cũng là người thường xuyên và tích cực đóng góp cho việc xây dựng cầu, đường ở địa phương.
Phong trào hiến đất xây trường cũng nở rộ trên toàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Năm 2008, đã có hàng chục hộ dân trong huyện hiến hơn 28.000 m2 đất để xây trường học.
Nguyễn Quốc Ngữ