Đàm phán Mỹ-Iran liệu có thành công?

GD&TĐ - Cả Mỹ và Iran đều mô tả các cuộc đàm phán gián tiếp của họ tại Oman là tích cực. Mỗi bên đã đưa ra nhượng bộ nào? Họ nắm giữ đòn bẩy nào?

Lực lượng an ninh Oman bảo vệ đoàn xe chở đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông Steve Witkoff, hôm 12 tháng 4.
Lực lượng an ninh Oman bảo vệ đoàn xe chở đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông Steve Witkoff, hôm 12 tháng 4.

Sa Blumi, phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Á và Trung Đông tại Đại học Stockholm đã giải thích với hãng Sputnik.

Những nhượng bộ của Iran

Bản thân việc Tehran đồng ý đàm phán với Mỹ đã là một sự nhượng bộ. Điều này cho thấy nhiều người "trong bối cảnh chính trị phức tạp của Iran sẵn sàng chấp nhận" các cuộc đàm phán.

Nhượng bộ của Mỹ

Sự tham gia của Mỹ vào các cuộc đàm phán, với sự tham gia của "đại diện chính" của Tổng thống Donald Trump là ông Steve Witkoff, là một sự nhượng bộ đáng kể, ngay cả khi bị lu mờ bởi sự gia tăng quân sự đang diễn ra của Mỹ trong khu vực.

Đòn bẩy của Iran

Đòn bẩy lớn nhất của Iran là khả năng kiểm soát dòng chảy thương mại qua Vịnh Ba Tư và khả năng đóng cửa Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Iran dường như không muốn khởi xướng hành động quân sự trong khu vực, không giống như một số quốc gia ở bên kia Đại Tây Dương.

Đòn bẩy của Mỹ

Các biện pháp trừng phạt kinh tế là đòn bẩy lớn nhất của Mỹ đối với Iran.

Ông Trump có thể sử dụng chúng để chia rẽ xã hội Iran, xa lánh "tầng lớp thương gia truyền thống và những người theo chủ nghĩa tự do" khỏi "những người cấp tiến truyền thống hơn của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran".

Học giả Blumi cho biết: "Vai trò đại diện của chính quyền Trump là ông Witkoff chắc chắn là điều rất tích cho thấy khả năng đàm phán được là rất cao".

Yếu tố Israel

Những lời đe dọa liên tục của Israel về việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran không nên bị bỏ qua, nhưng "sức mạnh của họ chỉ có thể làm được một số điều nhất định trước các cơ chế phòng thủ của Iran".

Mỹ vẫn có ảnh hưởng đáng kể đến Israel, đảm bảo tính thanh khoản kinh tế của nước này, và Tel Aviv "không hoạt động độc lập với chính trị Mỹ ở giai đoạn này".

Iran sẵn sàng

Iran sẵn sàng quay trở lại mức làm giàu uranium theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tùy thuộc vào một số điều kiện nhất định từ Mỹ, tờ Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn lời các quan chức Iran và châu Âu.

Theo tờ báo, đổi lại, Iran muốn Mỹ nhanh chóng nới lỏng các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân, được tiếp cận hàng tỷ đô la tài sản bị đóng băng và chấm dứt áp lực của Mỹ đối với những người mua dầu của Iran là Trung Quốc.

Vào hôm 12 tháng 4, các cuộc đàm phán gián tiếp đã được tổ chức tại thủ đô Muscat của Oman giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và đặc phái viên tổng thống ông Steven Witkoff.

Theo Witkoff, các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ tại Oman là tích cực và mang tính xây dựng.

Ngoại trưởng Araghchi cũng gọi bầu không khí của các cuộc đàm phán này là mang tính xây dựng và bình tĩnh, cảm ơn Bộ trưởng Ngoại giao Oman vì những nỗ lực của ông trong việc trao đổi quan điểm giữa các phái đoàn Iran và Mỹ, và thông báo rằng vòng đàm phán thứ hai giữa Iran và Mỹ sẽ được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 19 tháng 4.

Vào đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một lá thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong đó ông nói rằng ông muốn kết thúc một thỏa thuận với Tehran về chương trình hạt nhân của Iran, nếu không sẽ đe dọa sẽ có phản ứng quân sự.

Theo Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, Tehran trong một lá thư trả lời đã từ chối các cuộc đàm phán trực tiếp của Mỹ về chương trình hạt nhân, cánh cửa đàm phán chỉ mở với sự trung gian của các nước thứ ba.

Năm 2015, Vương quốc Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp và Iran đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, JCPOA) quy định việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi JCPOA vào tháng 5 năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Để đáp trả, Iran tuyên bố giảm dần các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, đặc biệt là từ bỏ các hạn chế đối với nghiên cứu hạt nhân và mức độ làm giàu uranium.

Đặc phái viên tổng thống Mỹ Steven Witkoff đã không đề nghị Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium trong các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Oman, tờ New York Times đưa tin, trích dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ.

Nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán có nội dung rộng và nhằm duy trì đối thoại, trọng tâm là ngăn quốc gia này biến vật liệu hiện có thành vũ khí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ