Nghị định 66/2025 NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 66/2025) quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách… Vậy nên, Nghị định này đang được các trường vùng khó ở Thanh Hóa đón đợi, mong ngóng.
Lặng lẽ công tác bán trú
Đêm nào cũng vậy, khoảng 22 giờ 00, sau khi đi kiểm tra, nhắc nhở học trò tắt điện từng phòng, bảo đảm các em đã đi ngủ, thầy Hoàng Anh Thanh - Trường PTDTBT - THCS Mường Lý (Mường Lát) mới yên tâm về phòng soạn giáo án và nghỉ ngơi.
Thầy Thanh, năm nay 43 tuổi, nhà ở TP Thanh Hóa, cách nơi công tác hơn 230km đường đồi núi, đèo dốc. Thầy đã gắn bó với ngôi trường này từ năm 2007. Ngoài dạy học, thầy và một số đồng nghiệp khác có nhiệm vụ luân phiên nhau trực bán trú, mỗi người một tuần. Vừa dạy học, vừa chăm sóc học trò, nên thầy Thanh ở hẳn tại trường.
“Nhiều hôm, đã nửa đêm, có học trò bị sốt cao, chúng tôi phải tức tốc đưa đến trạm y tế để theo dõi tình hình sức khỏe. Học sinh vùng cao có nhiều thiệt thòi, nên mình càng phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn”, thầy Thanh chia sẻ.
Không những lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh, các thầy kiêm nhiệm công tác bán trú đôi khi còn phải hướng dẫn từng bước cho học trò đi vệ sinh đúng nơi quy định.
“Nhiều khi cảm thấy mình như đang chăm con mọn, có chút vụng về nhưng rồi cũng dần quen. Thấy học trò ăn ngon, ngủ yên, chăm học, chúng tôi như có thêm động lực để tiếp tục dạy học ở vùng cao, khó khăn này”, thầy Thanh tâm sự.

Theo thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng nhà trường, năm học này, trường có 421 học sinh, nhưng có hơn 70% thuộc hộ nghèo. Trong số 329 học sinh hưởng chế độ bán trú, hầu hết nhà các em cách xa trường từ 6 - 7 km. Nhiều em ở bản Sài Khao, cách trường 20km đường rừng, nên mỗi tháng chỉ về thăm nhà một đến hai lần.
Theo chế độ hiện nay, học sinh bán trú được hưởng tiền ăn, mỗi em bằng 40% lương cơ sở (tức 936.000 đồng/tháng); 15kg gạo/tháng/học sinh và tiền chi phí học tập là 150.000 đồng/học sinh/tháng. Với số tiền ấy, nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em theo mức 31.000 đồng trong 2 bữa (trưa và chiều), còn bữa sáng học sinh tự túc.
Trong khi đó, mức phụ cấp cho giáo viên quản lý học sinh bán trú hiện nay là 702.000 đồng/tháng. “Với mức hỗ trợ đó, những giáo viên được nhà trường giao quản lý học sinh bán trú đều xác định lặng lẽ làm vì trách nhiệm, lòng yêu nghề và tình thương đối với học trò của mình, mà không đòi hỏi gì thêm”, thầy Xuân bộc bạch.

Phấn khởi đón đợi
Cô Ngân Thị Thướng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh (Quan Sơn) tỏ vẻ vui mừng khi biết Nghị định 66/2025 sẽ điều chỉnh nhiều chế độ thụ hưởng cho trẻ ở vùng khó, giúp các em có điều kiện, cơ hội đến lớp tốt hơn. Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non vùng khó được hưởng thụ, là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với các cô.
“Công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, nhưng lâu nay chưa được hưởng trợ cấp về công tác bán trú cũng như không có chế độ trực buổi trưa. Tới đây, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí quản lý buổi trưa đối với các nhóm trẻ bán trú, mức 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ, là điều rất phấn khởi cho giáo viên”, cô Thướng bày tỏ.
Trường Mầm non Tam Thanh hiện có 1 điểm chính và 2 khu lẻ, với tổng số gần 300 trẻ. Trong đó, 68 trẻ được hưởng phụ cấp chi phí học tập (150.000 đồng/cháu/tháng) và 101 trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa (mức 160.000 đồng/cháu/tháng).
“Sắp tới, đối với trẻ thuộc diện ăn bán trú, mà được hưởng phụ cấp 360.000 đồng/cháu/tháng, tức là tăng thêm 200.000 đồng, thì phụ huynh sẽ không phải đóng góp thêm nữa. Đây là điều rất đáng mừng, các con sẽ có điều kiện ăn uống bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng hơn”, cô Thướng chia sẻ.

Tam Thanh là xã giáp biên giới với Lào, có 8 bản nhưng hiện chỉ còn 2 bản nằm trong diện 135. Do đó, số lượng trẻ trong diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng không nhiều như trước kia.
Theo Nghị định 66/2025 quy định, hỗ trợ kinh phí cho cơ sở giáo dục mầm non có trẻ bán trú để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ chơi, đồ dùng, học liệu học tập, chăn, màn, đồ dùng cá nhân cho trẻ bán trú với mức là 1.350.000 đồng/trẻ/năm học. Hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập, sinh hoạt của trẻ em bán trú với mức là 5KW điện/tháng/trẻ và 1m3 nước/tháng/trẻ, theo cô Thướng, điều đó sẽ giúp nhà trường giảm được nhiều khó khăn.
Thầy Lê Khắc Châu - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Tam Chung (Mường Lát) cho biết, Nghị định 66/2025 có phạm vi điều chỉnh, mở rộng hơn. Đó là, nếu như chính sách trước đây chỉ áp dụng đối với học sinh phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT), thì Nghị định mới này được áp dụng bao gồm cả trẻ em đi nhà trẻ, học sinh, học viên bán trú (Trung tâm GDTX học chương trình THCS và THPT).
Nghị định 66/2025 cũng mở rộng đến cả học sinh các trường nội trú Trung ương, nội trú tỉnh và huyện; trẻ em đang học tại cơ sở mầm non, học sinh phổ thông công lập thuộc xã vùng III, II, I, xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng thụ...
“Như vậy, về quy mô, Nghị định 66/2025 đã bao gồm tất cả trẻ em bậc mầm non đến học sinh phổ thông sinh sống trong vùng theo quy định, sẽ được thụ hưởng chính sách ưu việt này”, thầy Châu phân tích.
Là người quản lý ở Trường PTDTBT - THCS Mường Lý (Mường Lát), thầy Nguyễn Văn Quý, Phó Hiệu trưởng nhà trường thấu hiểu sự vất vả của giáo viên, học sinh. Vì lẽ, đặc thù công việc của giáo viên, học sinh bán trú cũng không khác gì các trường dân tộc nội trú, nhưng phụ cấp lại rất thấp.
“Nghị định 66/2025 sẽ tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú lên, gồm: Tiền ăn 936.000 đồng/tháng; tiền ở 360.000 đồng/tháng (nếu phải tự lo chỗ ở). Bên cạnh đó, học sinh được hỗ trợ 15KW điện/tháng; 3m3 nước/tháng và 15kg gạo/học sinh/tháng. Đây là chính sách ưu việt của Nhà nước dành cho học sinh, nên các trường vùng khó như chúng tôi rất vui mừng, đón đợi”, thầy Quý chia sẻ.
Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát) cho hay, Nghị định 66/2025 sẽ tạo điều kiện rất tốt cho cơ sở giáo dục có học sinh bán trú ở vùng khó.
“Trường dân tộc bán trú sẽ được tăng tiền hỗ trợ thuê người nấu ăn lên mức 4.738.500 đồng/tháng/45 học sinh, chứ không dừng lại ở mức hỗ trợ 150% lương cơ sở (tức 3.510.000 đồng/người nấu ăn) như trước kia. Đây là điều thuận lợi cho nhà trường, để thuê người nấu ăn phục vụ học sinh hằng ngày”, thầy Thủy nói.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 66/2025, sẽ tăng kinh phí hỗ trợ để các trường dân tộc bán trú mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho học sinh, với mức tăng lên 180.000 đồng/em/năm học. Trong khi trước đó, mức hỗ trợ này chỉ là 100.000 đồng/em/năm.
Ngoài ra, theo Nghị định mới, sẽ hỗ trợ kinh phí để nhà trường tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh bán trú, lập tủ thuốc dùng chung, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; xử lý những trường hợp sơ cứu ban đầu... với mức 180.000 đồng/học sinh/năm học. Trong khi trước kia quy định, mức hỗ trợ này chỉ được 50.000 đồng/em/năm học.
Lâu nay, học sinh ở vùng khó đã được Nhà nước rất quan tâm rồi. Giờ đây, Nghị định 66/2025 ra đời, có sự điều chỉnh đáng kể về chế độ, chính sách cho trẻ em, học sinh, giáo viên trường vùng khó càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về sự phát triển giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình. Các trường ở vùng khó đang rất phấn chấn, đón đợi thời điểm chính sách mới có hiệu lực. - Ông Mai Xuân Giang (Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát)