Mỹ có thể hưởng lợi gì nếu việc sở hữu đường ống này thành hiện thực?
Tiến sĩ George Szamuely, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Toàn cầu, cho hãng thông tấn Izvestia biết vấn đề nằm ở chỗ đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine có thể được sử dụng để vận chuyển khí đốt theo chiều ngược lại.
Thay vì được sử dụng để bơm khí đốt của Nga tới người tiêu dùng châu Âu, đường ống này có thể dùng để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tới người tiêu dùng Ukraine.
Bằng cách kiểm soát đường ống, Mỹ có thể độc quyền kiểm soát thị trường khí đốt Ukraine, củng cố thêm quyền kiểm soát của Washington đối với quốc gia này, vốn sẽ trở nên phụ thuộc vào LNG của Mỹ.
Đường ống này cũng có thể được Mỹ sử dụng để vận chuyển LNG của Mỹ tới các nước EU, khiến họ cũng phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng của Mỹ.
Tiến sĩ Szamuely cho biết, Châu Âu và Ukraine "tự gây ra điều này" bằng cách cắt nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu đắt tiền hơn nhiều từ Mỹ.
Theo Reuters hôm 13 tháng 4, dự thảo thỏa thuận về khoáng sản Ukraine do Mỹ đề xuất bao gồm một yêu cầu rằng Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế của Chính phủ Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát một đường ống dẫn khí đốt từ Gazprom (Nga) đi qua Ukraine.
Các quan chức Mỹ và Ukraine đã gặp nhau tại Washington vào ngày 11 tháng 4 để bàn về dự thảo đề xuất này. Tuy nhiên, theo hãng tin, triển vọng đạt được đột phá là rất thấp do bầu không khí "đối đầu" trong cuộc họp.
"Môi trường đàm phán rất đối kháng", nguồn tin tiết lộ, đồng thời cho biết bản dự thảo mà chính quyền Mỹ đưa ra hồi tháng 3 mang tính "tối đa hóa yêu sách". Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ xác nhận các cuộc thảo luận, mô tả đây là "những cuộc trao đổi mang tính kỹ thuật".
Thông tấn Anh cho biết thêm, Chính phủ Ukraine đã thuê hãng luật Hogan Lovells làm cố vấn bên ngoài cho thỏa thuận khoáng sản này.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal và Bộ trưởng Tài chính Sergey Marchenko dự kiến sẽ tới Washington trong 2 tuần tới để tham dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), bao gồm một cuộc họp của các bộ trưởng tập trung vào vấn đề Ukraine vào ngày 25 tháng 4.
Trước đó, thỏa thuận khoáng sản từng đổ vỡ do tranh cãi giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 28 tháng 2. Đến ngày 27 tháng 3, Kiev thông báo đã nhận được một bản thỏa thuận được sửa đổi, với các điều khoản nghiêm ngặt hơn nhiều so với bản trước.
Đề xuất mới nhất yêu cầu Ukraine phải dùng toàn bộ doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên để hoàn trả khoản viện trợ trị giá khoảng 120 tỷ USD mà Washington đã cấp cho Kiev. Theo đó, Mỹ sẽ kiểm soát một quỹ đầu tư hỗ trợ phục hồi cho Ukraine như một phần của thỏa thuận này.
Kể từ đó, các quan chức Ukraine nhiều lần tuyên bố họ vẫn đang xem xét các điều khoản. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky phàn nàn rằng Washington đã thay đổi các điều kiện ban đầu.
Về phía mình, Tổng thống Trump cáo buộc ông Zelensky cố tình rút khỏi thỏa thuận và đe dọa sẽ nảy sinh "vấn đề lớn" nếu điều đó xảy ra.