Khi chiếc nồi đã cạn

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố hiện Đức không thể cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine vì đã cạn vũ khí đánh chặn này.

Hệ thống phòng không Patriot của Đức.
Hệ thống phòng không Patriot của Đức.

Tờ Bild dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Boris Pistorius hôm 11 tháng 4 trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Brussels:

"Như các bạn đã biết, Đức đã cung cấp bốn hệ thống Patriot đầy đủ. Chúng tôi hiện không thể cung cấp thêm nữa vì chúng tôi đang chờ nhà thầu Raytheon cung cấp thêm vũ khí này trong những năm tới, bắt đầu từ năm 2027".

Ông lưu ý rằng Đức có kế hoạch phân bổ hơn 11 tỷ euro (khoảng 12,4 tỷ đô la) viện trợ quân sự cho Ukraine đến năm 2029.

"Chúng tôi cũng đang nỗ lực mở rộng năng lực sửa chữa cho các hệ thống trong phạm vi Ukraine và đặt mục tiêu hoàn thiện các thỏa thuận khung mới về phụ tùng thay thế với ngành công nghiệp quốc phòng càng sớm càng tốt", ông nói thêm.

Lý do Đức ngừng viện trợ Patriot cho Ukraine đã được ông Pistorius nói khá rõ ràng nhưng theo tiết lộ của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ không thực hiện được do chính phủ nước này hết tiền.

Berlin là bên cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong NATO sau Mỹ, tuyên bố đã viện trợ vũ khí trị giá hơn 10,2 tỷ euro cho đến nay.

Biện pháp khẩn cấp tiết kiệm chi phí của chính phủ Đức nhằm đóng băng viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng ngân sách đang diễn ra trong nước không chỉ làm gián đoạn viện trợ trong tương lai mà còn làm gián đoạn lịch trình cung cấp vũ khí, thiết bị và đạn dược như đã tuyên bố của Bộ Quốc phòng.

Theo báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng được tờ Bild trích dẫn, yêu cầu của Ukraine về phụ tùng thay thế cho pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Đức cung cấp đã không được đáp ứng, buộc lực lượng Ukraine phải dừng sử dụng pháo trong cuộc tấn công ở khu vực Kursk của Nga.

Pháo Panzerhaubitze 2000 là một trong khoảng 30 loại vũ khí hỗ trợ ưu tiên trị giá hơn 3 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ đô la) còn bỏ ngỏ, cùng với đó là những vũ khí khác bao gồm hệ thống phòng không Patriot, pháo binh và máy bay không người lái.

"Nguồn cung từ kho dự trữ của Đức không thể được đảm bảo như đã lên kế hoạch và hứa hẹn", báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết và cảnh báo rằng hỗ trợ chung đang gặp rủi ro.

Cũng theo tờ Bild, đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã gửi một lá thư tới Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về yêu cầu cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine trước chiến dịch thắt lưng buộc bụng.

"Bữa tiệc đã kết thúc, cái nồi đã cạn", báo Đức dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết khi nói về việc đóng băng viện trợ cho Ukraine.

Cuộc khủng hoảng ngân sách của Đức phần lớn là cuộc khủng hoảng do chính Berlin gây ra, khi cường quốc kinh tế Trung Âu này đang phải đối mặt với suy thoái trong suốt hai năm rưỡi qua sau khi cắt đứt nguồn cung cấp dầu khí của Nga, khiến các nhà sản xuất lớn phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ hơn, thuế suất thấp hơn và ít thủ tục hành chính hơn.

Sự hỗ trợ của Đức cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra của NATO tại Ukraine chống lại Nga bao gồm xe tăng Leopard, xe chiến đấu bộ binh Marder đến hệ thống tên lửa tầm xa IRIS-T và Patriot.

Ngoài ra còn có hệ thống phòng không Gepard, MLRS MARS, tên lửa Stinger, máy bay không người lái và kho xe tăng và xe chiến đấu bộ binh thời Liên Xô còn sót lại từ Đông Đức cũ.

Bộ Quốc phòng Nga đề cập đến thiết bị của Đức gần như hàng ngày trong các báo cáo chiến trường về vũ khí bị phá hủy trong cuộc xung đột, với một số xe tăng, súng và các thiết bị khác trở thành chiến lợi phẩm sau khi bị quân nhân Nga bắt giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ