Nền tảng thời Thế chiến II
Theo tờ The Times, hai tướng lĩnh cấp cao này "được tự do đi Ukraine bất cứ khi nào cần thiết. Đôi khi, chuyến thăm của họ quá nhạy cảm đến mức họ phải mặc thường phục".
Tờ báo lập luận rằng mục đích của các chuyến thăm này là nhằm cố gắng duy trì "mối quan hệ khó khăn" giữa Mỹ và Ukraine, đồng thời khẳng định rằng:
Vào năm 2022, hàng chục lính chính quy của Anh đã được điều động đến Ukraine để hướng dẫn tân binh quân sự địa phương sử dụng tên lửa chống tăng do Anh cung cấp.
Đến năm 2023, quân đội Anh đã bí mật được cử đến Ukraine để trang bị cho máy bay chiến đấu của nước này tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp và hướng dẫn quân đội Ukraine cách sử dụng chúng.
Vương quốc Anh đã giúp chế độ Kiev xây dựng kế hoạch tác chiến và thu thập "thông tin tình báo quan trọng" về lực lượng Nga, bao gồm cả trong cuộc phản công bất thành của Ukraine vào mùa hè năm 2023.
Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo Anh (SIS), hay còn gọi là MI6, cho biết rằng cơ quan này đã tận dụng "di sản hoạt động bí mật" của mình để hỗ trợ Ukraine.
"Sau Thế chiến II, SOE (cơ quan tác chiến đặc biệt) đã được sáp nhập vào SIS, và chúng tôi trân trọng di sản hoạt động bí mật mà chúng tôi vẫn duy trì cho đến ngày nay khi giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga", Moore phát biểu trong bài phát biểu tại Đại sứ quán Anh ở Paris.
Ông kêu gọi các đồng minh NATO duy trì và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, lập luận rằng chiến thắng của Nga sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của phương Tây.
Nếu Nga thành công ở Ukraine, phương Tây sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, Moore nói.
Tờ Washington Post đưa tin vào tháng 10 rằng Cơ quan An ninh Ukraine đã thành lập "ban giám đốc thứ sáu" để hợp tác với MI6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh vẫn đi đầu trong hành động xâm lược tập thể của phương Tây chống lại Nga.
Bà nhớ lại rằng trong bản đánh giá toàn diện về chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh và phát triển của Văn phòng Thủ tướng Anh, Nga nhiều lần bị gọi là "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất" đối với Vương quốc Anh.
Cam kết lớn
Cũng theo The Times, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG) do Anh dẫn đầu cam kết gói viện trợ quân sự gần 24 tỷ USD cho Ukraine và giúp nước này bổ sung nhiều khí tài.
"UDCG hôm nay thông qua các cam kết viện trợ quân sự mới có tổng giá trị hơn 21 tỷ euro (23,8 tỷ USD). Đây là mức tăng kỷ lục về tài trợ quân sự cho Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết trong cuộc họp của UDCG ở Bỉ hôm 11 tháng 4.
Ông Healey nói rằng Anh sẽ đóng góp 5,8 tỷ USD vào cam kết này trong năm nay, mức hỗ trợ cao chưa từng thấy trong một năm của London. Giới chức Anh và Na Uy cùng ngày công bố gói hỗ trợ quân sự chung cho Ukraine với trị giá 585 triệu USD.
Đức thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine thêm 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng 300 tên lửa, 30 quả đạn trang bị cho hệ thống Patriot, 15 xe tăng chủ lực Leopard 1A5, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3, khoảng 130.000 quả đạn pháo 155 mm và nhiều khí tài khác, đồng thời cam kết đóng góp gần 14,4 tỷ USD từ giờ đến năm 2029.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene nhấn mạnh khoản tiền mới công bố là thông điệp thể hiện rõ rằng "hậu thuẫn cho Ukraine sẽ không suy giảm".
Bà cho biết Litva đã quyết định viện trợ thêm gần 34 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số tiền cam kết trong năm nay lên 125 triệu USD và sẽ còn tăng nữa trong tương lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cũng thông báo nước này sẽ chi 170 triệu USD để hỗ trợ Ukraine nâng cao năng lực phòng không.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày kêu gọi các đồng minh phương Tây tập trung cải thiện mạng lưới phòng không cho Ukraine và cung cấp thêm ít nhất 10 hệ thống Patriot.
UDCG được Mỹ thành lập hồi năm 2022 nhằm điều phối hoạt động viện trợ an ninh cho Ukraine, song hiện do Anh và Đức dẫn đầu. Tổ chức này có 57 quốc gia thành viên, trong đó có toàn bộ 32 nước thuộc khối NATO. Kể từ khi thành lập, UDCG đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 126 tỷ USD viện trợ quân sự.
Cam kết mới của UDCG được đưa ra giữa lúc chính sách ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là với Ukraine, đã thay đổi mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1. Chính quyền Trump tới nay vẫn chưa thông qua gói viện trợ mới nào cho Ukraine, thay vào đó tập trung tìm cách đàm phán với Nga để kết thúc chiến sự.