Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến hết năm 2023, cả nước có 676 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp thời điểm đầu năm 2023 đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm 2022, trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản trên 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp là gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3% so đầu năm 2022.
Tổng doanh thu ước thực hiện đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch được phê duyệt. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 125.847 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là 166.218 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch.
Đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel, doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu.
Doanh nghiệp Nhà nước luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nước ta. Sau gần 40 năm đổi mới, dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng phải thẳng thắn rằng, hiệu quả hoạt động và những đóng góp vào nền kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực mà các doanh nghiệp đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.
Thực tế, cả trong cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục mới có thể phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Cụ thể, như phân tích của một chuyên gia thì doanh nghiệp Nhà nước chưa có các dự án đầu tư, phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, có sức lan tỏa, nhất là trong các lĩnh vực mới. Mới chỉ hoạt động hiệu quả trong nhóm ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí; viễn thông, tài chính - ngân hàng.
Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước. Các chỉ tiêu, kế hoạch còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất.
Đặc biệt, quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa theo kịp các nguyên tắc và thông lệ quốc tế và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại. Việc tái cơ cấu còn mang tính hình thức, chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược kinh doanh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dù đã được rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh nhưng vẫn còn bất cập. Các quy định về đầu tư, quản lý tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu chưa đồng bộ.
Chưa có định hướng, chiến lược phát triển cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước theo hướng bền vững. Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực chưa gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp; chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Doanh nghiệp Nhà nước được ví là “quả đấm thép” của nền kinh tế. Vậy nên, những “nút thắt” về thể chế; những tồn tại, hạn chế nội tại cần nhanh chóng tháo gỡ.
Bởi như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu diễn ra hồi đầu tháng này thì doanh nghiệp Nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi.
Trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, những gì đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa. Những gì chưa được thì khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển với động lực mới, khí thế mới, cùng tiến bộ với cả nước.