Nếu dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua, dự kiến có khoảng 22 triệu giấy phép lái xe (GPLX) máy không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi sang thẻ nhựa.
Đồng bộ quản lý thông tin
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước khi trình Quốc hội. Dự thảo lần này bổ sung thêm quy định mới về việc chuyển tiếp các loại giấy tờ liên quan phương tiện và người lái.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất GPLX máy được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. Đối với GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012, phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng.
Số liệu thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 22 triệu GPLX không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012. Nếu dự thảo Luật được thông qua, người sử dụng GPLX này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ nhựa (PET).
Phòng Quản lý người lái và phương tiện, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, GPLX vật liệu giấy đang thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeID). Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về lộ trình cấp đổi cho 22 triệu GPLX này, Phòng Quản lý người lái và phương tiện cho biết, khi dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình chi tiết.
Ông Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, GPLX cấp trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET. Loại GPLX giấy bìa chỉ hiển thị tên, năm sinh của người sở hữu GPLX, không có ngày, tháng sinh, nên không đồng bộ được dữ liệu.
“Thêm vào đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng chứng minh nhân dân 9 số nên việc liên thông, cập nhật dữ liệu cũng gặp khó. Thời gian qua, cơ quan này đã và đang khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu PET để cập nhật theo căn cước công dân 12 số, phù hợp với hệ thống dữ liệu dân cư”, ông Nhật chia sẻ.
Miễn phí đổi GPLX
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, việc đổi GPLX không thời hạn từ bìa giấy sang thẻ nhựa là rất cần thiết, bởi, về lâu dài việc chuyển đổi này tạo thuận tiện cho người dân, nhất là khi các dữ liệu được cập nhật và hiển thị trên hệ thống VNeID. Tuy nhiên, việc thay đổi trên phải có lộ trình, không làm mất thời gian cũng như tốn kém thêm kinh phí cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông ủng hộ đề xuất để giúp dữ liệu GPLX được đồng bộ, đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VNeID. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng được nhanh chóng, chính xác hơn.
Ông Thủy cho rằng, để tạo được sự đồng thuận của người dân, chính sách trên phải đáp ứng được ba điều kiện, đó là không gây phiền hà cho người dân, chi phí và phải đưa ra lộ trình đổi GPLX hợp lý.
Trong đó, Nhà nước phải đặc biệt lưu ý đến việc không thêm nhiều thủ tục, không buộc người đổi bằng phải học và thi lại. Chính phủ cũng cần có chính sách miễn phí đối với người thuộc diện phải cấp, đổi GPLX không thời hạn. Trường hợp khó khăn chỉ thu tiền in ấn với chi phí khoảng 10.000 - 30.000 đồng/GPLX.
“Thêm vào đó, đa dạng hình thức đổi, người dân có thể đổi trực tuyến hoặc cử người về tận phường để đổi GPLX cho người dân. Trong quá trình đổi phải thực hiện nhanh, nhằm tạo điều kiện cho người dân trong quá trình lưu thông trên đường”, ông Thủy nhấn mạnh.
Là người đang sử dụng GPLX hạng A1, anh Hoàng Minh Chất (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ lo lắng, quy trình đổi GPLX hiện nay khá phức tạp, cần phải có giấy khám sức khỏe, đơn đề nghị cấp lại… Vì vậy, anh Chất rất mong Nhà nước đơn giản thủ tục đối với các đối tượng thuộc diện phải đổi lại này.
“Mọi công tác cấp đổi được thực hiện trực tuyến, người dùng chỉ cần chụp bằng cũ tải lên, cơ quan chức năng căn cứ vào các dữ liệu đã có để cấp lại”, anh Chất nói.
Tương tự, chị Phạm Minh Lý (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chị vẫn đang sử dụng GPLX bằng giấy được cấp từ năm 2010. Chị rất ủng hộ đề xuất việc đổi GPLX sang thẻ nhựa, có cập nhật thông tin để có thể tích hợp vào ứng dụng VNeID nhằm thuận lợi trong quản lý, sử dụng.
Song, chị Lý cho rằng, GPLX đang sử dụng được cấp đúng quy định nên nếu do thay đổi chính sách mà phải đổi thì Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
“Với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin như hiện nay, người dân có thể đăng ký đổi trực tuyến, về lâu dài với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xây dựng thì nên tính toán tích hợp vào luôn căn cước công dân để người dân chỉ cần xuất trình căn cước thay vì phải cấp, đổi GPLX. Nếu thực hiện chủ trương mới về đổi GPLX, rất mong Nhà nước xem xét cấp đổi miễn phí cho người đang còn dùng GPLX bằng giấy”, chị Minh Lý nêu quan điểm.