Lỗi giấy tờ cũ
Đầu tháng 7, sau khi hoàn thành đăng ký ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 2, anh Lê Quân (Đống Đa, Hà Nội), đã tự tích hợp cả giấy phép lái xe ô tô và xe máy vào tài khoản định danh để có thể sử dụng các giấy tờ này trên nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, hệ thống đều trả kết quả xác thực không đạt.
Sau khi tìm hiểu thông tin, anh Quân đã thực hiện đổi giấy phép lái xe máy từ vật liệu bìa sang thẻ nhựa (PET) để đồng bộ thông tin cá nhân mới có thể tích hợp trên hệ thống. Theo anh Quân, để đổi giấy phép lái xe đã mất rất nhiều công sức, thời gian đi lại và cần có giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ.
Tương tự, anh Quách Hà Đương (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đã kích hoạt định danh điện tử mức độ 2, đồng thời tích hợp một số giấy tờ vào ví điện tử.
Song, sau một thời gian xác thực, dù thẻ BHYT và bằng lái xe B2 vẫn có thể xác thực, nhưng bằng lái xe A1 vẫn ở dạng bìa cứng thì không tích hợp được với lý do, xác thực không đạt.
“Không chỉ cá nhân tôi gặp trường hợp như vậy mà nhiều người khác cũng phản ánh khi gặp tình trạng tương tự. Đáng nói, khi đưa số bằng lái xe tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam thì vẫn hiển thị đầy đủ”, anh Đương chia sẻ.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, thời gian qua, Cục Đường bộ đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, xác thực thành công 31,3 triệu bản ghi giấy phép lái xe với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc làm này nhằm đảm bảo hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên ứng dụng VNeID cho công dân.
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận còn một số bản giấy phép lái xe dù có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe của Cục, nhưng chưa được xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID). Loại giấy phép lái xe sử dụng CMND 9 số vẫn đang bị lỗi chưa thể tích hợp vào tài khoản VNeID.
Lý giải tình trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân do số CMND loại 9 số để cấp giấy phép lái xe khác với số CCCD.
Nghĩa là, với những trường hợp khi cấp giấy phép lái xe sử dụng CMND loại 9 số, khác với số CCCD 12 số, nên khi cập nhật thì chưa hiển thị trên VNeID.
Trường hợp khác là do giấy phép lái xe bìa giấy, hoặc giấy phép lái xe có thay đổi thông tin… thì cũng chưa hiển thị trên VNeID.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian tới, cục sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hoàn thiện phần mềm và cung cấp các công cụ cho phép người dân tự đối soát, đồng bộ dữ liệu về CMND và CCCD để hiển thị được thông tin giấy phép lái xe trên VNeID.
Theo thống kê, các sở GTVT trên cả nước hiện đã cấp đổi gần 64 triệu giấy phép lái xe các loại. Trong đó có gần 43.000 giấy phép lái xe quốc tế và hơn 63 triệu giấy phép lái xe quốc gia.
Lợi ích của VneID
Ngày 18/7/2022, ứng dụng định danh điện tử VNeID trên thiết bị di động thông minh được Bộ Công an chính thức đưa vào sử dụng.
Ứng dụng VNeID ra đời để sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số.
VNeID tích hợp tất cả giấy tờ cá nhân của công dân trên nền tảng kỹ thuật số như: CCCD, giấy phép lái xe, thẻ BHYT, BHXH…
Tài khoản định danh điện tử là “tập hợp gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân), mật khẩu (gửi qua tin nhắn điện thoại khi đăng ký)”. Tài khoản này được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Việc sử dụng tài khoản này có 2 cấp độ. Mức 1, công dân có thể trải nghiệm một số tiện ích cơ bản như: Đọc báo, khai báo y tế...
Để đăng ký online, người dùng tải ứng dụng VNeID từ CH Play hoặc App Store. Khi tài khoản được phê duyệt, người dùng sẽ nhận được mật khẩu qua tin nhắn điện thoại sau đó chỉ cần đăng nhập và sử dụng.
Với mức 2, người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, liên kết.
Ở mức này, người dùng phải đến trực tiếp công an địa phương để cung cấp số điện thoại, email, để đăng ký. Ai có nhu cầu tích hợp các loại giấy tờ như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ BHYT… cần mang theo các giấy tờ gốc để đối chiếu.
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết, người dùng được kích hoạt tài khoản định danh có thể tích hợp mọi thông tin trên căn cước công dân gắn chip. Từ đó sẽ “cho ra đời” một căn cước công dân điện tử thay thế căn cước bản cứng.
“Khi tích hợp thành công, người dân sẽ không cần mang theo bản cứng căn cước công dân mà tất cả thao tác đều trên điện thoại”, Trung tá Vĩnh nói.
Theo Trung tá Vĩnh, tài khoản định danh điện tử còn có các lợi ích tích hợp các loại giấy tờ cho người dân. Việc này giúp giảm gọn giấy tờ bản giấy mà công dân mang theo.
Khi có tài khoản, người dùng cũng có thể đăng ký khám chữa bệnh, khai báo cư trú, tố giác tội phạm...