Thay đổi tên gọi các hạng GPLX
Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân đối với Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất thay đổi phân hạng GPLX so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Dự thảo này sẽ không còn bằng lái xe các hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC.
Dự thảo này quy định GPLX hạng A2 dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 - 175cm3; GPLX hạng A dành cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng A2; GPLX hạng B dành cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe); xe ô tô tải không quá 3,5 tấn và các loại xe quy định cho GPLX hạng B2.
Dự thảo cũng có quy định người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A2, A, A3, B; Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C1, C, BE; Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX D2, C1E, CE.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an, việc đề xuất thay đổi phân hạng GPLX để bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Cơ quan soạn thảo cũng đã rà soát, nội luật hóa các quy định trong Công ước Viên năm 1968. Vì Việt Nam cũng đã hội nhập sâu với thế giới nên đề xuất thay đổi để phù hợp với các hoạt động giao lưu, thương mại, học tập.
Do đó, người dân Việt Nam và nước ngoài cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng GPLX tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ về điều khoản chuyển tiếp, quy định về giữ và đổi GPLX. Tất cả các GPLX được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì vẫn được tiếp tục sử dụng.
Riêng các trường hợp GPLX được cấp lại do hết hạn, do bị mất hoặc GPLX được đổi do hỏng hoặc sai lệch thông tin thì sẽ được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
GPLX hạng A1, A2, A3, B1, B2 thì sẽ được đổi, cấp GPLX như sau: GPLX hạng A3, C thì được giữ nguyên và được đổi, cấp lại cùng hạng. GPLX A2 sẽ được đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A1.
Còn GPLX hạng A sẽ được đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng A2. Với GPLX hạng B thì sẽ được đổi, cấp lại cho những người có GPLX hạng B1 và B2.
Không nên gộp GPLX
Ngoài việc ủng hộ Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng việc phân hạng GPLX là không nên vì sẽ gây lãng phí, tạo ra nhiều sự nhầm lẫn.
Theo chuyên gia giao thông, việc sử dụng các loại GPLX hiện hành vẫn còn phù hợp. Các loại GPLX sử dụng chưa gây ra bất cập, vướng mắc gì lớn, thậm chí khá khoa học, hợp lý.
Nếu buộc phải đổi, cấp lại hàng loạt bằng lái xe sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất tốn kém, đồng thời phải bổ sung, bố trí nhân lực và nhất là tạo ra khối lượng công việc cần phải thụ lý, giải quyết.
Điều này sẽ gây tốn kém chi phí nguồn lực xã hội khi mà cả cơ quan có thẩm quyền và người dân phải bỏ thời gian, công sức và kinh phí để làm thủ tục cấp, đổi mới.
Ông Lê Văn Quảng (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng, cách đặt tên cho hạng GPLX sẽ khiến người dân cảm thấy rối… Thay vì gọi tên hạng thứ tự từ thấp đến cao theo độ khó của phương tiện được điều khiển như hiện nay thì cách gọi mới lại rất thiếu trật tự.
“Người dân sẽ dễ nhầm lẫn hạng A là hạng A1, hạng A2 được điều khiển các loại phương tiện có độ nguy hiểm cao hơn hạng A. Điều này có thể gây ra tình trạng học nhầm hạng, dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn không đáng có”, ông Quảng nêu ý kiến.
Theo Thông tư số 12 năm 2017 của Bộ GTVT, người được lái xe hạng B1 chỉ được đào tạo lái xe số tự động, không được đào tạo lái các loại xe số sàn. Trong trường hợp người có bằng B1 được đổi sang bằng hạng B (ngang với B2), người dân cũng sẽ được lái xe số sàn.
Theo luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, ở trường hợp này, nếu tiến hành ghép các hạng bằng, cho phép người lái xe được điều khiển loại phương tiện nguy hiểm hơn, có cơ chế hoạt động khác biệt thì cơ quan chức năng cần tiến hành đào tạo bổ túc kỹ năng bắt buộc với người được chuyển đổi.
“Trong khi đó bằng lái xe hạng B1 chỉ được phép lái xe số tự động dưới 9 chỗ ngồi và người có bằng hạng B1 không được phép lái xe tải.
Do đó, nếu gộp chung B1 và B2 vào một hạng B là không hợp lý, bởi vì nhiều người hiện nay chỉ muốn học bằng hạng B1 phục vụ cá nhân, chứ không có nhu cầu kinh doanh hoặc lái xe tải. Vì vậy bắt buộc họ phải học như hạng B2 là không cần thiết”, luật sư Trần Hậu nêu quan điểm.