Chất lượng nguồn tuyển là cần thiết
Bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh - nói: “Tôi hết sức tán đồng với nhiều điểm mới của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH; CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để xin ý kiến dư luận.
Đặc biệt trong đó là quy định ở Điều 17, Khoản 3 Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017, được sửa đổi, bổ sung với yêu cầu nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sư phạm.
Cụ thể, đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Với yêu cầu ngày càng cao đối với giáo viên, việc nâng cao chất lượng đầu vào từ nguồn tuyển cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo tốt hơn cho hoạt động đào tạo của các nhà trường. Việc sàng lọc chất lượng đầu vào đội ngũ sư phạm từ học sinh lớp 12 chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo sinh sau này vì một nguồn tuyển tốt sẽ giúp cho chất lượng đào tạo nâng lên là điều ai cũng thừa nhận.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được những học sinh giỏi vào học. Đây là khó khăn không nhỏ vì những em có học lực giỏi thường tìm đến các ngành học hấp dẫn khác.
Chính vì vậy, cần có những đãi ngộ tốt hơn đối với nhà giáo để tạo sức hút với nghề. Điều này thì ngoài khả năng của Bộ GD&ĐT nên rất cần có sự quan tâm của Nhà nước”.
Đại diện nhiều trường ĐH, CĐ khẳng định đây là một chủ trương đúng vì sẽ giúp chất lượng đầu vào sư phạm tốt hơn nhiều. TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - cho rằng: Một nguồn tuyển tốt sẽ là nền tảng căn bản tốt cho chất lượng đào tạo.
Chắc chắn các nhà trường nếu thực hiện điều này sẽ gặp khó trong nguồn tuyển, sẽ có những trường sư phạm khó tuyển hết chỉ tiêu, hoặc một số ngành đào tạo rất khó tuyển sinh. Song điều này là hoàn toàn cần thiết.
Cần được sẻ chia ở cả cộng đồng
Đồng tình với quan điểm nâng cao chất lượng nguồn tuyển như Dự thảo thông tư yêu cầu, GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh - cho rằng, cần có phương án để kiểm soát việc làm đẹp học bạ vì ở nhiều nhà trường việc đánh giá giỏi hay không có thể thiếu khách quan.
Thế nên, ngoài ngưỡng đảm bảo với học bạ với yêu cầu loại giỏi thì cũng cần kết hợp thêm với điểm thi THPT quốc gia của thí sinh đó. Các môn phải đạt được một ngưỡng nhất định nào đó thì mới đảm bảo độ tin cậy học lực của em đó có giỏi không.
Việc này phụ thuộc rất nhiều ở các thầy cô giáo và các trường phổ thông. Cần có sự công tâm trong việc cho điểm, vì đây cũng là trách nhiệm với sự nghiệp chung.
Được biết mới đây, để nâng cao chất lượng giáo viên, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có đề án đặt hàng Trường Đại học Hồng Đức đào tạo mỗi năm mỗi ngành từ 10 -15 giáo viên với yêu cầu chất lượng tổng điểm 3 môn thấp nhất là 24 điểm. UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cam kết nếu đào tạo đạt các chuẩn theo yêu cầu thì tỉnh sẽ sử dụng và đảm bảo cho các em việc làm khi ra trường.
Về phía Trường Đại học Hồng Đức cũng cho biết, các giáo sinh này sẽ được đào tạo theo chương trình chất lượng cao, mỗi sinh viên sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng mỗi năm. Mong rằng sau Thanh Hoá sẽ còn có nhiều địa phương khác cũng sẽ có những đơn đặt hàng và chế độ đãi ngộ thu hút nhiều học sinh giỏi đến với nghề sư phạm.