Đảm bảo chất lượng dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm thứ tư triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD-ĐT Hà Nội chủ động tháo gỡ khó khăn, tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.

Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội bước vào năm học mới.
Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội bước vào năm học mới.

Những niềm vui trong năm học mới

Cùng với học sinh cả nước, hơn 2 triệu học sinh Hà Nội bước vào năm học mới 2023-2024. Đây là năm học toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11, trong đó có 3 khối lớp triển khai năm đầu tiên là lớp 4, 8 và 11.

Cô Bùi Thị Thu Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Năm học 2023-2024 là năm học đặc biệt bởi thầy trò được trở lại ngôi trường mới khang trang hiện đại, ngôi trường bao lâu nay nhân dân phường Tân Mai mong ước. Mơ ước của các em học sinh, của các thầy cô giáo đã trở thành hiện thực.

Với diện tích mặt bằng 5296 m2, trường có tổng số 52 phòng học, 6 phòng chức năng phục vụ học tập. Các phòng học được trang bị đồng bộ hệ thống điều hoà và thiết bị dạy học hiện đại, thuận lợi cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018 và chuyển đổi số trong giáo dục.

Cơ sở vật chất hiện đại là động lực để thầy trò nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới, năm thứ 4 triển khai chương trình GDPT 2018. Dù còn một số khó khăn nhưng việc triển khai chương trình, SGK mới cơ bản thuận lợi. Học sinh hào hứng với những giờ học, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.

Trong khi đó, cô Ngô Thị Kiều Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Năm học 2023-2024 là năm học thứ hai học sinh nhà trường được học tập trong ngôi trường mới với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Đây cũng là năm học đầu tiên sau khi nhà trường vinh dự đón nhận Trường chuẩn quốc gia cấp độ I và đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ II.

Việc triển khai chương trình GDPT mới đã đi vào nền nếp. Đối với môn tích hợp, các thầy cô giáo đã tự tin giảng dạy tất cả các phân môn. Mặc dù còn một số băn khoăn khi tiếp cận với sách giáo khoa và chương trình mới nhưng nhóm giáo viên các môn Khoa học tự nhiên nhà trường sẽ quyết tâm tìm tòi, học hỏi để đáp ứng từng mục tiêu của chủ đề môn học.

Nằm trên địa bàn khó khăn và xa xôi nhất của Thủ đô, ngành GD-ĐT huyện Mỹ Đức đã khắc phục nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018. Ông Lê Văn Hiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho biết, điểm nổi bật nhất của năm học vừa qua là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và giảng dạy.

Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện điều chuyển, bổ sung và hoàn thiện cơ cấu đội ngũ giáo viên ở các cấp học, tham mưu cho UBND huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Huyện đang thực hiện 13 dự án, xây mới 137 phòng học, 122 phòng bộ môn, chức năng, hiệu bộ và nâng cấp, cải tạo 47 phòng học với tổng kinh phí 500 tỷ đồng. Năm học 2023-2024, huyện phấn đấu xây dựng công nhận mới 12 trường chuẩn quốc gia, công nhận lại 16 trường, đảm bảo cho học sinh được học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại.

Nhiều trường học triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018.

Nhiều trường học triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018.

Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức

Khó khăn chung của các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội là thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học và công nghệ (ở tiểu học), Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp THCS), Nghệ thuật (cấp THPT). Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm học 2022-2023, các trường học ở thành phố Hà Nội thiếu khoảng 10.000 giáo viên.

Đáng chú ý, dù đã bước sang năm thứ tư, song việc tổ chức dạy học các môn tích hợp ở cấp THPT (Môn Khoa học Tự nhiên, Môn Lịch sử và Địa lý) vẫn là một “điểm nghẽn” đối với nhiều nhà trường bởi lý do, các giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, dù đã được tập huấn nhưng chưa thực sự tự tin và yên tâm khi dạy tích hợp.

Nhận thức rõ về trách nhiệm trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018, từng trường học thuộc ngành Giáo dục Hà Nội đều nỗ lực, chủ động tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn với mục tiêu hạn chế sự ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Thầy Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Phú (huyện Ứng Hòa) cho biết: Tháng 5/2023, Trường THCS đã được huyện đầu tư xây dựng khu trường học mới. Trước đây, trường có 12 lớp. Sau khi có khu vực xây thêm, trường bổ sung được 2 phòng học thường; 4 phòng chức năng gồm: Âm nhạc mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ.

Nhà trường cũng tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn để triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018. Qua chương trình “Nhà trường chung tay phát triển, thầy cô sẻ chia trách nhiệm” do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, giáo viên nhà trường đã được giao lưu, học hỏi về chuyên môn với nhiều đơn vị trường học trên địa bàn thành phố.

Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) cho biết, để việc dạy, học sách giáo khoa mới năm đầu tiên đối với lớp 4 bảo đảm chất lượng, ban giám hiệu nhà trường đang giao cho mỗi giáo viên xây dựng và thực hành 2 tiết dạy mẫu để ban giám hiệu và các tổ nhóm chuyên môn dự giờ, sau đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện từng tiết dạy trước khi nhân rộng.

Trong quá trình triển khai, giáo viên liên tục cập nhật để điều chỉnh về nội dung, phương pháp, hình thức cho phù hợp và hiệu quả. Ngoài các cuốn sách do nhà trường lựa chọn đưa vào giảng dạy trong năm học mới, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên tham khảo sách của các nhà xuất bản khác trong danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để có thêm tư liệu cho bài giảng.

Giải bài toán thiếu giáo viên, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai mô hình “Ngân hàng giáo viên”. Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, “Ngân hàng giáo viên” là giải pháp tập hợp các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm để các trường “dùng chung”.

Với mô hình này, giáo viên tiếng Anh của một trường có thể dạy tiếng Anh cho 2, 3 trường khác. Phòng GD&ĐT sắp xếp thời khóa biểu, trả lương cho giáo viên để bảo đảm chất lượng giảng dạy và không gây quá tải với giáo viên. Cùng với đó, nhiều trường học ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy... cũng đã triển khai mô hình trên.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị nguồn giáo viên cho năm học 2023-2024, Sở đã tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, đồng thời triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội. Ước tính, sẽ có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có của các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ