Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Thanh Xuân cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản
Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nhằm hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học. Chương trình GDPT mới 2028 được triển khai hiệu quả theo lộ trình. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được quan tâm phát triển, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục và thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Đến cuối năm học, toàn tỉnh có 996 trường, 15.515 lớp, nhóm lớp từ mầm non đến THPT với 492.263 học sinh; có một Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 15 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện với 220 lớp học; một trường Cao đẳng Sư phạm với 12 lớp học.
Toàn ngành hiện có 35.174 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, 95% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên, trong đó có 34,64% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn và 15,84% giáo viên đạt trên chuẩn.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được chú trọng, nâng cao, với nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt đạt thành tích vượt bậc trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024 khi có 60 em đoạt giải, trong đó, lần đầu có em đoạt giải Nhất.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động toàn ngành thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu dạy học, thiếu phòng học ở cấp mầm non và tiểu học; thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các môn học,...
Chú trọng quan tâm học sinh dân tộc thiểu số
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị ghi nhận và biểu dương những thành tích ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được trong năm học qua. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở các cấp học. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới. Đồng thời, quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong năm 2025. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 10 cấp THPT. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và biên chế được giao theo quy định...
Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, bà Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành GD&ĐT Đắk Lắk tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục.
Phấn đấu cuối năm 2024, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 62%, cuối năm 2025 đạt 64%. Tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo (tính cả học ghép các thôn, buôn) đạt 100%. Tỷ lệ phòng học kiên cố phấn đấu đạt 90% vào cuối năm 2024, đạt 93% vào cuối năm 2025.