Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sau 2 năm triển khai thực Quyết định số 3033/QĐ-BGDĐT về mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô trường lớp, cơ sở phát triển đến 100% thôn, buôn, bảo đảm nhu cầu học tập cho con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch phát triển GD&ĐT vùng DTTS tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025 theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), gồm 15 trường cấp THCS và 2 trường cấp THPT.
Trong đó, 15 trường PTDTNT THCS có quy mô 60 lớp với 2.143 học sinh. 2 trường PTDTNT THPT với quy mô 18 lớp với 774 học sinh.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 6 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở cấp huyện, trong đó có 4 trường PTDTBT THCS.
Theo đánh giá của HĐND tỉnh Đắk Lắk, hệ thống trường PTDTNT và PTDTBT đã góp phần rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.
Ông Phạm Đăng Khoa cho biết thêm, Sở GD&ĐT đang tiếp tục hoàn thiện các công trình trọng điểm như Trường PTDTNT THPT Đam San (giai đoạn 1 hơn 54 tỷ đồng giai đoạn II hơn 100 tỷ đồng – PV). Hoàn thành dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn II. Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển giáo dục miền núi, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia đảm bảo tỷ lệ hằng năm theo kế hoạch.
"Những công trình này sẽ góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GD&ĐT vùng đồng bào DTTS theo Chương trình mục tiêu quốc gia bới đông bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk", ông Khoa nhấn mạnh.