Đắk Lắk: Hàng trăm hộ dân Cư Elang chậm đến khu tái định cư

GD&TĐ - Thủy lợi Krông Pắc Thượng, tỉnh Đắk Lắk là dự án có vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Gần 12 năm từ khi khởi công, dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện do vướng giải phóng mặt bằng.

Những hộ đầu tiên chuyển đến khu tái định cư số 1, xã Cư Elang (huyện Ea Kar).
Những hộ đầu tiên chuyển đến khu tái định cư số 1, xã Cư Elang (huyện Ea Kar).

Nỗi lo bị tranh đất sản xuất

Theo kế hoạch di dân, tái định cư dự án hồ chứa nước Krông Pắc Thượng của UBND tỉnh Đắk Lắk, có tổng số 729 hộ với 3.320 nhân khẩu trong lòng hồ ở các thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San, huyện M’Đrắk.

Trong đó, có 300 hộ dân sẽ được di dân về khu tái định cư số 1 ở xã Cư Elang trên diện tích hơn 680 ha. Khu tái định cư số 2 tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar sẽ có hơn 400 hộ dân di dời về sinh sống.

Tuy nhiên, công tác di dân, tái định cư vẫn chưa đảm bảo khiến dự án thủy lợi này đang bị ‘tắc”, chưa thể hoàn thiện. Trong khi đó, cao điểm mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đang cận kề với cuộc sống của người dân.

Qua tìm hiểu của PV, những hộ dân cho biết, họ ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng điều kiện tại nơi tái định cư khiến người dân chưa yên tâm để chuyển về sinh sống.

Hộ ông Vàng Seo Pao, xã Cư San (huyện M’Đrắk), một trong những hộ đầu tiên chuyển đến khu tái định cư số 1, xã Cư Elang (huyện Ea Kar). Ông Pao cũng vừa được người dân bầu làm làm thôn phó lâm thời đầu tiên tại khu tái định cư số 1.

“Thời gian đầu, số lượng hộ dân đến khu tái định cư nhiều, nhưng nay người đến rất ít, mỗi tuần chỉ 1 - 2 hộ. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc bố trí đất sản xuất cho bà con. Một số hộ mới chỉ được bố trí đất ở, chưa được bố trí đất sản xuất. Hoặc, một số hộ bố trí đất sản xuất nhưng chưa đủ theo phương án tỉnh đã phê duyệt”, ông Pao nói.

Ngoài những lý do trên, người dân cũng cho biết, nhiều hộ được bố trí đất nhưng lại bị người dân địa phương đến tranh chấp nên không dám canh tác. Tình trạng này kéo dài khiến các hộ dân tái định cư lo lắng và bất an, e ngại chuyển đến nơi ở mới.

Còn ở khu tái định cư số 2, tại xã Cư Bông, huyện Ea Kar vẫn chưa thể tiếp nhận người dân đến đây ở vì đang chờ giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tính đến cuối tháng 8/2021, xã đã tiếp nhận 130 hộ dân, khoảng 600 nhân khẩu ở xã Cư San, huyện M’Đrắk chuyển đến khu tái định cư số 1.

Những phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở khi chính quyền đã ghi nhận một số trường hợp người địa phương vào tranh chấp đất với các hộ tái định cư. Dù UBND xã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện vào cuộc nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.

“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, thậm chí mời về UBND xã làm việc, nhưng họ lại cố tình vi phạm. Sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân đến tái định cư. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ và đủ cơ sở pháp lý để chuyển cho Công an huyện xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, địa phương cũng động viên bà con canh tác, sản xuất trên đất được giao. Các lực lượng chức năng địa phương sẽ đảm bảo an ninh trật tự tránh các trường hợp gây rối”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Các hộ ở khu vực lòng hồ Krông Pắc Thượng thường xuyên bị ngập vào mùa lũ.
Các hộ ở khu vực lòng hồ Krông Pắc Thượng thường xuyên bị ngập vào mùa lũ.

Dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành tái định cư

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, đại diện chủ đầu tư, ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình nông nghiệp và giao thông Đắk Lắk - cho biết: “Khu tái định cư số 1 và số 2 trước đây giao cho UBND huyện Ea Kar (chủ đầu tư cũ) thực hiện. Quá trình triển khai trước đây có những bất cập, sai sót khiến cho đơn vị tiếp quản rất khó thực hiện”.

Cũng theo ông Hạ, tại khu tái định cư số 1, bản đồ địa chính khu vực cánh đồng màu 22ha và phần mở rộng 110ha đã được UBND huyện Ea Kar thực hiện công tác đo đạc địa chính nhưng đến nay, toàn bộ file bản đồ gốc đã bị thất lạc. Dẫn đến không đủ cơ sở để chỉnh lý bản đồ và xuất trích lục, ảnh hưởng lớn đến giải phóng mặt bằng. Để có cơ sở thực hiện, cần phải thực hiện lại công tác đo đạc địa chính.

Đối với khu tái định cư số 2 hiện đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực đất ở. Còn đất sản xuất, mới chỉ ở giai đoạn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Liên quan đến sự việc, hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đang chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực vào cuộc. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ và tái định cư cho hơn 700 hộ dân, khoảng 4.000 nhân khẩu.

“Hiện nay, quan trọng nhất là di dời dân, các hộ ở mực nước thấp, ví dụ cao trình 486m trở xuống khi ngập lụt là người dân không bị ảnh hưởng. Người dân ở dưới cao trình đấy đã được di dời.  Chúng tôi xác định thời gian không được kéo dài, đảm bảo cho người dân đã chờ đợi cả 10 năm nay rồi, người ta càng về sớm khu tái định cư thì càng đỡ vất vả, cuộc sống càng sớm ổn định”, ông Hạ phân trần.

Sau 12 năm chờ đợi, dự án thủy lợi nghìn tỷ Krông Pắc Thượng đã được khơi thông, người dân đã bắt đầu chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, để người dân đồng thuận, yên tâm chính quyền cần quyết liệt giải quyết các vướng mắc nêu trên một cách thấu tình, đạt lý.

Dự án hồ chứa nước Krông Pắc Thượng với mục tiêu sẽ tưới tiêu cho 14.900 ha, cấp nước cho gần 73.000 hộ dân ở địa phương. Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt lần đầu vào ngày 15/5/2009, với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỉ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên ngày 20/12/2018, Bộ NN&PTNT có quyết định điều chỉnh mức đầu tư lên 4.421 tỉ đồng, hoàn thành vào cuối 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ