Năm 2012 khu tái định cư hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Theo đó, khu tái định cư này được cấp để ổn định cuộc sống cho các hộ dân thôn Đắk Đoát (xã Đắk Pék) bị ảnh hưởng trong cơn bão số 9 năm 2009.
Tuy nhiên, sau thời gian vận động, chỉ có 10 hộ dân trong làng đến ở. Người dân chỉ đến khu tái định cư sinh sống được một thời gian ngắn rồi bỏ về làng cũ. Mặc dù, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nhưng các hộ dân vẫn không rời làng cũ. Từ đó, khu tái định cư bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân.
Ông A Brát, trưởng thôn Đắk Đoát cho biết, sau khi khu tái định cư được hoàn thành thì có hơn chục hộ dân đến đây sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, do thiếu nước sinh hoạt, điện nên các hộ dân lại quay trở về làng cũ.
Không những vậy, nương rẫy của người dân đều ở làng cũ, cách nơi ở mới hơn 7km nên gây khó khăn trong quá trình đi lại. Do đó, người dân đều quay trở về nơi ở cũng để thuận tiện chăm sóc nương rẫy, đủ điện, nước phục vụ sinh hoạt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu tái định cư sau nhiều năm không có người ở đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Một số ngôi nhà mái tôn đã bị gió cuốn đi, cửa kính vỡ nát nằm vương vãi khắp nơi. Các ngôi nhà nằm san sát nhau, nhưng cỏ mọc um tùm, bao quanh tứ phía. Bên cạnh đó, nhiều người dân thả gia súc tại đây, chất thải có mặt ở nhiều nơi.
Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pék cho hay, khi khu tái định cư hoàn thành, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động người dân đến nơi ở mới. Tuy nhiên, người dân không đồng ý mà vẫn ở làng cũ.
Cũng theo ông Tụ, người dân cho rằng, khu tái định cư nằm quá xa làng cũ nên không thuận lợi cho việc canh tác. Ngoài ra, nơi ở mới không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Bên cạnh đó, khu tái định cư cũng không có điểm sinh hoạt tôn giáo, nhà ở tạm bợ và chật chội gây bất tiện trong quá trình sinh sống và lao động.
“Mặc dù, chính quyền địa phương liên tục vận động người dân ra khu tái định cư sinh sống. Tuy nhiên, người dân cho rằng, điều kiện sống không bảo đảm, lại xa nơi canh tác nên vẫn ở làng cũ. Đây là một trong những vấn đề khó khăn cho địa phương”, ông Tụ nói.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, đơn vị cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Đắk Pek tuyên truyền, vận động các hộ dân về khu tái định cư sinh sống. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân vẫn chưa thực hiện.
Theo bà Y Thanh, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là 53 hộ dân sau khi được giao đất phải khẩn trương đến khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Nếu các hộ dân vẫn không đồng ý, huyện sẽ kiên quyết thu hồi diện tích đất đã giao để bố trí cho các hộ dân khác có nhu cầu.
Cũng theo vị chủ tịch huyện, đối với diện tích còn lại chưa được sử dụng trên địa bàn, đơn vị tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương mở rộng đối tượng để bố trí đất ở cho hộ gia đình. Đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.