“Dài cổ” chờ nước sạch ở khu tái định cư

GD&TĐ - Khoảng 130 hộ dân đã nhường đất để xây dựng dự án hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, sau đó vào ở tại khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Nhà máy nước sạch Thọ Điền (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).
Nhà máy nước sạch Thọ Điền (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, gần 10 năm qua, người dân vẫn “dài cổ” chờ nước sạch dù sống bên nhà máy nước sạch được đầu tư hơn 6 tỷ đồng.

Khát bên nhà máy nước sạch

Dù được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng công trình nước sạch xã Thọ Điền hoạt động kém hiệu quả, nguồn nước không bảo đảm. Dù đã nhiều lần khắc phục nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn, khiến 130 hộ dân tại khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ chỉ có thể dùng nguồn nước này để tưới cây.

Theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, năm 2013, hơn 130 hộ dân tại xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) đã đi dời lên khu tái định cư Khe Ná – Khe Gỗ, nhường đất cho công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Nhưng, gần 10 năm qua, người dân thường xuyên phải sống cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt do nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng không thể sử dụng.

Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, Ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng Công trình nước sạch xã Thọ Điền.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, công suất phục vụ 8m3/h, được thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng nhà máy nước sinh hoạt cho khu TĐC. Tháng 12/2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND xã Hương Điền cũ đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương.

Ngay khi vừa đưa vào sử dụng, Nhà máy nước sạch Thọ Điền đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Nguồn nước dẫn từ đập vào bể quá bẩn, có mùi tanh hôi, thậm chí có cả bùn. Tiến hành kiểm tra hệ thống bồn lọc thì phát hiện nước bị rò rỉ, nguồn nước sau hệ thống lọc còn nhiều tạp chất bẩn không xử lý được…

Hiện, 130 hộ dân phải sống trong tình cảnh không có nước sạch để sinh hoạt. Họ phải sử dụng nước giếng khoan, nước từ khe suối để phục vụ hàng ngày.

“Nước máy như thế nên gia đình tôi phải thuê người khoan giếng để có nước sử dụng. Mặc dù vậy, đồng tiền eo hẹp nên chỉ khoan được giếng nhỏ, sâu 20m. Mùa nắng nóng này, nước khan hiếm nên cũng không đủ phục vụ sinh hoạt…”, chị Nguyễn Thị Hiền cho biết.

Anh Trần Quang Đạt, người dân tại khu tái định cư, cho biết: “Đến ở khu tái định cư gần mười năm nay nhưng chưa một lần hứng được giọt nước của nhà máy. Mặc dù, hệ thống dẫn nước được đấu nối, đồng hồ đã lắp đặt rất bài bản tại hộ gia đình”.

Cực chẳng đã, gia đình anh Đạt phải vay mượn để cùng một số hộ dân khác đào chung một giếng để tháo gỡ nguồn nước sinh hoạt.

Nhiều hạng mục nhà máy bị xuống cấp.
Nhiều hạng mục nhà máy bị xuống cấp.

Chờ đến bao giờ?

Theo người dân, việc chất lượng nước của Nhà máy nước sạch Thọ Điền không bảo đảm đã diễn ra từ nhiều năm qua. Đã có nhiều đoàn về làm việc nhưng nguồn nước sinh hoạt cho người dân vẫn không được cải thiện.

Ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân đã nhiều lần phản ánh về chất lượng nguồn nước không bảo đảm. Chính quyền địa phương đã báo cáo sự việc này lên các đơn vị liên quan.

Phía cơ quan chức năng, đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, khắc phục. Tuy nhiên, chất lượng nước hiện đã qua xử lý vẫn không bảo đảm, không thể sử dụng.

“Hầu hết, người dân khu tái định cư vẫn đang sử dụng nguồn nước khoan và nước suối để sinh hoạt”, ông Minh cho biết thêm.

Lý giải những nguyên nhân khiến chất lượng nước của nhà máy kém hiệu quả, ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho rằng, việc công trình gặp trục trặc là do nguồn nước vào nhà máy được lấy từ tầng đáy của đập.

Người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch gần 10 năm qua.
Người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch gần 10 năm qua.

“Do sử dụng chung cống đập của thủy lợi lấy từ tầng đáy mà đáng lẽ ra nước phải được lấy từ tầng giữa của đập đưa vào hệ thống xử lý.

Ngoài ra, những người đang vận hành nhà máy chỉ được các đơn vị thi công hướng dẫn sơ qua nên không đáp ứng được yêu cầu vận hành khiến chất lượng nước không bảo đảm.

Không phải bây giờ chúng tôi mới có ý kiến mà ngay từ khi bàn giao công trình cho địa phương sử dụng đã phát hiện nhiều bất cập”, ông Quang nói.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết: Những tồn tại của nhà máy hiện nay rất khó để khắc phục, không chỉ huyện, xã vào cuộc mà sự cần sự chung tay của các cơ quan cấp trên để cùng tháo gỡ khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.