Anh Tôn Thất Trường Nam, kỹ thuật viên bộ môn Vật lý - chủ nhiệm trực tiếp chế tạo máy chống gian lận cho biết, sau thời gian dài giảng dạy tại trường anh nhận thấy các thiết bị gian lận của học sinh vô cùng đa dạng và ngày càng tiên tiến.
Những thiết bị này được kết nối điện thoại với vòng dây; tích hợp điện thoại và vòng dây; sử dụng kết nối Bluetooth. Đặc biệt, những thiết bị này được thiết kế nhỏ gọn như chiếc máy nghe nhạc hoặc ngụy trang điện thoại như chiếc thẻ ATM … và đều sử dụng tai nghe kích thước siêu nhỏ, tai nghe nam châm chỉ bằng nửa hạt gạo, hạt đậu nhỏ… bỏ sâu bên trong tai hoặc luồn sâu trong tay áo nên rất khó bị phát hiện.
Không những vậy, những thiết bị này dùng sóng vô tuyến truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra bên ngoài phòng thi cho người hỗ trợ giải. Điện thoại được cài đặt chế độ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến, thí sinh có thể đọc đề thi ra bên ngoài hoặc thu âm trong lúc giám thị đọc đề thi sau đó người ngoài truyền bài giải vào phòng thi và thí sinh nghe để làm bài.
Tác giả chế tạo thành công máy chống gian lận trong thi cử chia sẻ về thiết bị này với PV (áo sọc). Ảnh: Trúc Hân |
Những thiết bị này dễ dàng được tìm mua trên mạng hoặc các cửa hàng điện tử với giá cả chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra sinh viên có thể thuê những thiết bị gian lận này theo ngày chỉ với hơn 100.000 đồng.
Theo anh Nam, sau nhiều ngày tìm tòi và nghiên cứu, cùng với sự giúp đỡ của các cộng sự thuộc Bộ môn Vật lý, trong đó có thầy Trần Quốc Lâm – Giảng viên bộ môn Vật lý của khoa và qua 7 phiên bản thì hiện nay thiết bị chống gian lận đã nhỏ gọn, chỉ nặng 400g và vô cùng tiện lợi.
Cũng theo anh Nam, máy có thể phát hiện tín hiệu âm thanh phát ra từ các thiết bị công nghệ cao với khoảng cách 8 mét. Giám thị xách máy đi dọc hành lang phòng thi hoặc đi dọc giữa các dãy bàn, nếu có thiết bị gian lận máy sẽ phát hiện ra và truyền tín hiệu,.
Theo TS Nguyễn Thanh Tân – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, trường ĐH Tây Nguyên, trước khi chưa có máy chống gian lận thì các cán bộ coi thi vô cùng khó khăn khi không xác định được chính xác sinh viên gian lận. Đặc biệt với những thí sinh nữ thì việc kiểm tra lại khó khăn và rắc rối hơn nhiều.
“Từ khi có máy chống gian lận trong thi cử, chúng tôi đã phát hiện, lập biên bản trên 60 vụ thí sinh gian lận. Không những vậy số lượng thí sinh gian lận giảm rõ rệt, thí sinh cũng đã nhận thức được và bỏ suy nghĩ sẽ gian lận trong thi cử”, thầy Tân nói.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên cho biết, ngoài trường Đại học Tây Nguyên, máy chống gian lận đã được Học viện Y học cổ truyền Việt Nam và trường Đại học Thủy Lợi sử dụng.
“Nhà trường mong muốn chiếc máy này sẽ được sử dụng rộng rãi trong các kỳ thi, nhất là những kỳ thi quan trọng. Không những thế, trường sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị khác nhằm mục đích chống lại sự tiêu cực”, TS Trúc cho hay.