Algeria: Ngắt kết nối Internet để… chống gian lận trong thi cử

GD&TĐ - Liên tục trong 2 năm 2016 và 2017, tại Algeria đã xảy ra các vụ bê bối liên quan đến gian lận điện tử qui mô lớn xung quanh kỳ thi THPT - với sự tiếp tay của mạng xã hội và thiết bị di động thông minh.

Bên trong một lớp học bậc trung học tại Algeria
Bên trong một lớp học bậc trung học tại Algeria

Để giải quyết vấn đề này, trong kỳ thi THPT năm 2018 vừa diễn ra, chính phủ nước này đã đưa ra một giải pháp rất quyết liệt: Ngắt kết nối Internet.

Giải pháp thời công nghệ

Theo lệnh của chính phủ, kết nối Internet bị ngắt trên phạm vi toàn quốc trong vòng ít nhất một giờ trong ngày, bắt đầu vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tú tài hàng năm với sự tham gia của khoảng 700.000 thí sinh. Ngoài ra, “tất cả các thiết bị thông minh có thể truy cập Internet cũng được đưa ra khỏi hơn 2.000 trung tâm tổ chức thi” - truyền thông quốc gia Algeria cho biết.

Việc ngắt tín hiệu Internet được cho là nhằm ngăn chặn tái diễn bê bối gian lận trên diện rộng đáng xấu hổ như các năm gần đây. Năm 2016, một số câu hỏi trong kỳ thi THPT được đăng lên truyền thông xã hội trước hoặc ngay khi bắt đầu các môn thi, làm hỏng kết quả kỳ thi. Thất bại của chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cho các kỳ thi đã bị cả dư luận chỉ trích; kết quả là họ phải thiết kế một đề thi mới cho những thí sinh đến chậm, những em đã có thể tiếp cận trái phép câu hỏi thi trước.

Tức giận trước vấn đề này, các quan chức giáo dục Algeria đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải chặn các trang mạng xã hội như Facebook trong suốt kỳ thi năm ngoái; nhưng một vài câu hỏi, bằng cách nào đó, vẫn xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến khác, tiếp tục làm dư luận quốc gia Bắc Phi này phẫn nộ.

Chấp nhận phản ứng dư luận và chi phí tốn kém

Có lẽ ngoại trừ chính phủ và những người tham gia thi một cách trung thực, còn phần lớn người dân Algeria, nhất là những ai không liên quan đến kỳ thi, đều phản ứng tiêu cực. Trên mạng xã hội nước này truyền đi hình ảnh du khách thất vọng tại Sân bay quốc tế vì bị trễ chuyến tại Algeria do Internet bị ngắt kết nối.

Thực ra, ngắt kết nối Internet trong thời gian thi không phải là biện pháp duy nhất. Song song đó, Bộ Giáo dục nước này đã bố trí trông thi với cơ cấu 1 giám thị/3 thí sinh. Các thiết bị làm nhiễu điện thoại cũng được đặt ở trước các trung tâm tổ chức thi; camera giám sát và thiết bị dò tìm kim loại được lắp đặt và giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ dấu hiệu gian lận nào.

Saadia Gacem, một SV cao học ngành Xã hội học, gọi việc phong tỏa Internet là một “biện pháp cấp tiến”, nhưng không để ca ngợi, mà nhằm chế nhạo sự bất lực của chính phủ trong việc giải quyết vấn đề. “Người ta không ngắt Internet ở các quốc gia khác để chống lại sự dối trá trong thi tú tài”, SV cao học này nhận xét.

Anh chàng này đã nhầm.

Algeria là quốc gia mới nhất tham gia nhóm quốc gia sử dụng những biện pháp cực đoan để chống lại gian lận thi cử, khi nó ngày càng trở nên phổ biến và khó phát hiện hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Những năm gần đây, Ấn Độ, Ethiopia, Iraq và Uzbekistan cũng đã phải đóng cửa Internet nhằm ngăn chặn rò rỉ câu hỏi và đáp án trên mạng. Các nhà lập pháp Ai Cập cũng tán dương cách làm này và cho biết sẽ sớm nghiên cứu áp dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.