Đắk Lắk 120 năm hình thành và phát triển

GD&TĐ - Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Đắk Lắk có những bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực.

Đắk Lắk kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển. (Ảnh: TT)
Đắk Lắk kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển. (Ảnh: TT)

Tối 22/11, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, diễn ra lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các vị khách quốc tế cùng hàng nghìn người dân tỉnh Đắk Lắk.

ptg.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: TT)

Lịch sử hình thành Đắk Lắk

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, cuối thế kỷ 19, trong quá trình xâm lược nước ta, Pháp đã từng bước thiết lập ách đô hộ lên các dân tộc ở Tây Nguyên.

Để xác lập quyền cai trị và tổ chức về mặt hành chính đối với Đắk Lắk, ngày 2/11/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk, đặt trụ sở tại Buôn Đôn.

Đến ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác lập lãnh thổ chủ quyền quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, là cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.

bt-trung.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung ôn lại lịch sử 120 năm hình thành và phát triển. (Ảnh: TT)

Đây là kết quả của quá trình chuyển biến, giao lưu, gắn kết và hội nhập về văn hóa, xã hội, con người, kinh tế, chính trị và lãnh thổ của Nhân dân các dân tộc nơi đây vào lịch sử dân tộc ta; đó cũng là kết quả của phong trào đấu tranh lâu dài và quyết liệt của Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk.

Đến nay, sau 120 năm thành lập và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Diện tích và sản lượng cà phê, tiêu, sầu riêng đứng hàng đầu cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên.

Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng.

db.jpg
Đại biểu dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

Tập trung 5 nhiệm vụ để phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Đắk Lắk có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển của vùng và quốc gia.

Điều đó được xác định trong nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương qua các thời kỳ, rõ nét nhất là Kết luận số 67-KL/TW, Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW; Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

vn2.jpg
Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

"Qua đó, đã khẳng định sứ mệnh lớn được đặt lên vai tỉnh Đắk Lắk là phát triển kinh tế phải hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, phải là trung tâm, cực tăng trưởng của khu vực", Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.

Để phát triển tỉnh ngày càng giàu mạnh, bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Khẩn trương, quyết liệt hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra, chuẩn bị thật tốt cho Đại hội XIV để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ hơn;

Tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua bốn trụ cột tăng trưởng chính;

Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ ở địa phương ngày càng năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;

Đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực, như giáo dục, khoa học, du lịch, nghệ thuật, nông nghiệp;

Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ