Đại sứ Đan Mạch John Nielsen: Giáo dục Việt Nam có những bước chuyển lớn

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen: Giáo dục Việt Nam có những bước chuyển lớn

(GD&TĐ) - Đan Mạch là nước đứng thứ 3 trong số các nước châu Âu tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hiện nay, nguồn vốn này tập trung trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Ngài Ngài Đại sứ Đan Mạch John Nielsen nhận định: Nền giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển lớn.

Việt Nam nên thu hút đối tác giáo dục nước ngoài

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen

Đan Mạch cũng thúc đẩy các chương trình hợp tác văn hóa với Việt Nam. Nhiều năm qua, Đan Mạch đã xây dựng những chương trình văn hóa toàn diện. Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam giai đoạn 2011-2015, nhằm hỗ trợ các nghệ làm các dự án nghệ thuật, đặc biệt với các dự án mang tính đương đại, đã có những thành tựu nhất định.

Ngài Đại sứ John Nielsen nhận định nền giáo dục Việt Nam đã có những bước chuyển lớn, nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện.

Hiện nay, trường Niels Brock Copenhagen Business College (Đan Mạch) đã kết hợp với Đại học Ngoại thương xây dựng chương trình học 4 năm cho hai ngành Tài chính và Quản lý dịch vụ, tuy nhiên, những hợp tác trong lĩnh vực giáo dục còn chưa nhiều.

Ngài Đại sứ John Nielsen cho rằng thay vì việc gửi sinh viên ra nước ngoài, Việt Nam nên mở cửa thu hút các đối tác nước ngoài vào làm giáo dục. Giáo dục Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nữa trong việc đào tạo nhân sự kỹ thuật cao, cũng như nhân sự quản lý bậc trung, để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Đan Mạch.

Cánh đồng điện gió ở Đan Mạch
Cánh đồng điện gió ở Đan Mạch

Rào cản từ một số quy định và giá cả bất hợp lý

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho "Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.

Trong thời gian hợp tác vừa qua, phía Việt Nam và Đan Mạch đã có những thành quả nhất định: Xây dựng những quy định, văn bản để vận dụng trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Là một nước nghèo tài nguyên và thiếu nguyên liệu, người Đan Mạch đã học cách sử dụng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả, như ứng dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Đan Mạch sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đan Mạch đã giới thiệu Sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Sáng kiến này sử dụng “Kiểm toán năng lượng” để kiểm tra hiệu quả sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp, từ đó tìm cách giảm lượng năng lượng tiêu thụ. Đan Mạch cũng giới thiệu mô hình Máy bơm nước năng lượng mặt trời ở Quảng Nam và Bến Tre. Vestas, nhà sản xuất tuabin gió đến từ Đan Mạch, đang hoạt động tích cực ở phía Nam…

Trong lĩnh vực thương mại - kinh doanh, kết quả hợp tác giữa 2 nước cũng tăng đáng kể. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ ODA từ Đan Mạch sẽ tập trung vào chống biến đổi khí hậu, quản trị nhà nước và cải cách hành chính.

Trong tương lai, Đan Mạch mong muốn chuyển đổi các quan hệ đối tác với Việt Nam sang hợp tác thương mại. Số công ty Đan Mạch đến Việt Nam ngày càng tăng, hiện nay là 140 công ty, con số khá lớn so với một đất nước nhỏ bé ít dân như Đan Mạch.

Tuy nhiên, theo ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, một số quy định và tình trạng giá cao đang là những trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp Đan Mạch. Để thu hút nhiều hơn nữa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam, Đan Mạch mong chờ một sự minh bạch hơn nữa từ phía Việt Nam.

Đan Mạch là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất, mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong tốp cao nhất thế giới, có chế độ phúc lợi lớn.

Đan Mạch là một trong những nước đi đầu trong viện trợ phát triển, dành gần 1% GDP cho viện trợ phát triển.

Mục tiêu hợp tác phát triển của Đan Mạch với Việt Nam trong giai đoạn mới là gắn chống đói nghèo với quyền con người và tăng trưởng kinh tế.

Kiều Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ