Khi bình minh ánh lên sóng nước Trường Sa, trên tàu thanh niên có chủ đề “Tuổi trẻ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” đều đặn vang giọng nữ ấm áp “Đây là chương trình phát thanh HQ 571, tiếng nói của Hành trình Tuổi trẻ vì quê hương số 14 ....”.
Đã quen thuộc với các thành viên hành trình, 5 giờ sáng mỗi ngày, chương trình phát thanh trên tàu HQ 571 lại truyền đi thông tin về những điểm đảo đến thăm như vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thành tích của cán bộ chiến sỹ...
Chương trình xen kẽ các cuộc trò chuyện giao lưu với thành viên tham gia hành trình, trải nghiệm khi lần đầu ra đảo và các tiết mục quà tặng âm nhạc.
Với nhiều thành viên trong đoàn, chương trình phát thanh còn là nguồn cung cấp thông tin thời sự trong nước như sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đài phát thanh liên tục cập nhật hoạt động của hành trình trên các điểm đảo như hoạt động giao lưu và tặng quà tại đảo Đá Lớn (A, B, C), Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh; Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa….
Để mỗi sáng có bản tin phát đi trên hệ thống phát thanh của tàu, những thành viên sản xuất chương trình phải xây dựng kịch bản, phỏng vấn, thu âm từ đêm hôm trước. Mỗi bản tin dài 23 phút, các thành viên phải sản xuất trong hơn 2 tiếng đồng hồ.
Sau chương trình giao lưu cùng hành trình, các thành viên lại tranh thủ họp nhóm, bàn kịch bản và phân công nhiệm vụ. Bên cạnh những thành viên là phóng viên báo chí, đội ngũ sản xuất chương trình phát thanh còn có hai giọng nữ lần đầu tiên thu thanh là Trần Diễm Ái Vi (Đại học Kinh tế - Luật TPHCM) và Nguyễn Khánh Chi (Hoa khôi Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng năm 2013).
Ái Vi chia sẻ: Đây là lần đầu tiên mình tham gia làm chương trình phát thanh nên rất hồi hộp và hào hứng. Tôi và Khánh Chi làm phần nội dung Quà tặng âm nhạc, giao lưu kết bạn.
Khánh Chi cho biết, ngay sau bản tin đầu tiên, chương trình đã nhận được bức thư viết tay của một chiến sỹ giấu tên. Trong thư viết: “Nghe tin chương trình phát thanh nội bộ của tàu HQ 571 được lên sóng, mình rất vui và muốn tham gia chia sẻ những tình cảm của mình về quần đảo Trường Sa với mọi người”.
Những thông tin gửi về giao lưu kết bạn và quà tặng âm nhạc cũng liên tiếp được gửi tới chương trình. Nhiều ca khúc về biển đảo là món quà để các thành viên trong Hành trình dành tặng nhau: Gần lắm Trường Sa, Tổ quốc nhìn từ biển, Bay…
Công trình ra đảo
Hai ngày vượt sóng giao lưu với đảo Đá Lớn (A, B và C), Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao... Các đại biểu đã sẻ chia với những khó khăn và động viên các cán bộ, chiến sĩ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiều phần quà ý nghĩa thiết thực đã được đoàn trao tặng. Giữa nơi muôn trùng sóng bể thiêng liêng của Tổ quốc, những giai điệu nồng ấm được các đại biểu hành trình dành tặng các chiến sỹ trong chương trình văn nghệ giao lưu.
Dưới tán xanh của bàng, phi lao nơi đảo Sơn Ca, Nam Yết ngân lên điệu vọng cổ cải lương của thành viên trong đoàn; tiếng sáo trúc của cán bộ công tác trên đảo.
Những tiếng hát, nụ cười trong khoảng thời gian gặp gỡ không nhiều nhưng đủ tiếp thêm niềm tin, tình cảm cho những cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đại úy Phạm Minh Tuấn - Phó Chỉ huy đảo Len Đao - tâm sự: “Với tinh thần văn hóa văn nghệ của các đoàn đại biểu thăm đảo là sự khích lệ tuyệt vời đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo”.
Ở nơi đầu đảo Len Đao hướng về đất liền, Đại úy Phạm Minh Tuấn nghĩ tới câu hát Không xa đâu Trường Sa ơi của một ca khúc quen thuộc với người lính biển. Nhiều tiết mục văn nghệ của các đại biểu được các chiến sĩ tặng những món quà mang theo tiếng sóng biển là vỏ ốc, hoa ốc.
Trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2014, đoàn còn kết hợp nắm tình hình thực tế, điều kiện sinh hoạt của quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 để tiến hành hai công trình trên đảo, gồm: Công trình chiếu sáng trên các điểm đảo bằng sức gió và công trình nghiên cứu xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo.
Đại diện Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam Nguyễn Thanh Tú - Thành viên Hành trình - chia sẻ: Trong hành trình này, Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam sẽ kết hợp khảo sát địa điểm thích hợp xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo có thể là Trường Sa Lớn, hay Song Tử Tây.
Công trình hướng đến xây dựng điểm rèn luyện thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cũng như tổ chức các hoạt động tập thể, giao lưu mỗi khi có những đoàn đại biểu trong đất liền ra thăm.