Dài như nỗi nhớ mùa đông

GD&TĐ - Lạnh của mùa đông đã ghé về quê gã đôi lần. Bận bịu quá nên chẳng còn thời gian mà gian mà díu với từng cơn gió nhẹ, mà hẹn mà hò với từng cọng heo may.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng nay lên trường, lại cảm nhận thêm đợt lạnh mới về. Mưa bụi lất phất, lạnh la cà cả dọc hành lang. Các trò đều mặc áo ấm, đôi bạn nữ đã choàng khăn…

Bỗng nhiên gã bâng khuâng nhớ về xưa cũ. Tháng mười hai ấu thơ, rét mướt theo mẹ ra đồng bẻ cải ngồng ăn, miệng thút thít vì cay mà vẫn thích. Tháng mười hai năm cuối cấp ba, bạn bè bắt đầu viết lưu bút cho nhau mà có trang giấy ướt nhòe vì nỗi niềm xa cách.

Tháng mười hai mịt mù sương khói của những buổi sáng mai ăn vội củ khoai để kịp đạp xe đến trường cùng mấy đứa bạn. Tháng mười hai trong vắt, tĩnh lặng, u buồn theo âm điệu bài thơ cô giảng:

“Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong….”.

Còn nhớ mãi cái câu hỏi còn bỏ lửng của cô từ tận năm xưa, “sao” là ánh sao trên trời dâng đầy trong mắt hay là một câu hỏi của nhà thơ Thâm Tâm? Có những câu hỏi từ tận sâu khảm mùa đông xa lắc dằng dặc gợi về trong kí ức như thế. Không lời đáp. Mãi mãi không bao gời có lời đáp đúng. Như nỗi nhớ dài theo năm tháng mùa đông.

Điện thoại tít tít, trò nhắn “Em nhớ trường, nhớ thầy, nhớ các cô nhiều lắm!”. Có lẽ mùa đông hồ dễ làm lòng người xao xuyến, nhớ nhung… Uh, mà làm sao không nhớ năm tháng tuổi học trò.

Làm sao không nhớ đến những buổi sáng tinh mơ mấy đứa túm năm túm ba nơi cái ghế đá ấy, ngang qua nở một nụ cười chào nhau. Nhớ những hôm trực tuần cả lớp đi từ tờ mờ sớm. Cả lớp làm việc trong lặng im. Chỉ còn tiếng chổi quét sột soạt trên sân trường.

Rồi, ông mặt trời nhú lên sau núi, ánh bình minh rọi xuống nền gạch cũ, lô nhô những chỗ lồi lõm, những chỗ cuống chân vấp ngã đôi lần khi chạy vội lên lớp vì đi học muộn. Rồi, tất tả thu vội dụng cụ để chuẩn bị cho buổi chào cờ đầu tuần. Đứa hồi hộp mong xướng tên mình với điểm mười, điểm chín. Kẻ lo sợ bị phê bình trước hơn ngàn học sinh và thầy cô. Rồi, mong chờ, hồi hộp, lo âu cũng qua đi.

Sân trường mùa đông lại trở về yên ắng với thi thoảng lá bàng, lá xà cừ rụng rơi xác xao. Sân trường mùa đông lại trở về với từng đợt gió thổi nhẹ, với đám mây lửng lơ như muốn chực sà xuống. Sân trường lại trở về với những giờ ra chơi với muôn sắc màu của khăn quàng, của áo ấm. Mùa đông cứ thế la cà cho đến cuối ngày vắng bóng những gót chân hồng tung tăng khắp nẻo.

Ai cũng từng có những mùa đông hoài niệm nơi làng quê, nơi ngôi trường yêu dấu. Những mùa đông hoài niệm mang theo bao nhiêu nỗi nhớ chất chồng của một thời ngây ngô, khờ dại.

Và rồi, đôi khi ta tự hỏi trong ngút trùng xa ngái ấy, mùa gọi tên ai? Mùa nhắc đến chiếc khăn quàng ấm, mùa gợi đến đôi mắt huyền nâu, mùa dằn vặt ngón thon gầy chưa kịp nắm hay mùa vẽ bức phù điêu không màu nơi cuối con đường thanh vắng. Và rồi, bất giác ai khờ ai khạo mà tự ru ngủ mình bằng lời khó hiểu của những vần thơ:

“Những đợt gió mùa từ miền Bắc tới

Mang theo nỗi nhớ đóng băng đã mấy mươi mùa

Khoác chiếc áo ấm mới mua

Nghĩ về những điều xưa cũ…

Mười năm, hai mươi mấy năm trước có người từng ấp ủ

Một giấc mơ bồ câu trắng

Một giấc mơ ngày dài chỉ mỗi ánh bình minh

Không hoàng hôn buồn rớt xuống sau núi

Chỉ niềm vui

Trú ngụ mãi trong cõi xanh biếc mỗi hai người…”.

“Tùng! Tùng! Tùng….” cô văn thư đánh hồi trống vang bay… Gã giật mình theo tiếng trống. Hình như thanh âm tiếng trống ấm áp hơn mọi ngày. Hình như ai đó đang nhắc tên ai đó theo mùa, theo những ngón thon gầy nơi phố sá hay những con đường quăng quật nơi xa. Tiếng trống thu trong lòng gã và vỡ ra thành những thanh âm hoài niệm năm nào…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.