Đại khoa họ Đặng ở Cự Đình: Sống vì khoa danh, chết vì việc nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau chuyến đi sứ nhà Thanh, vị đại khoa bị cách chức, thời gian sau ông lại được cử đi Indonesia nhưng chẳng may ốm nặng qua đời.

Nhà thờ Tổ họ Đặng và đền thờ Phái đình hầu được xếp hạng năm 2016.
Nhà thờ Tổ họ Đặng và đền thờ Phái đình hầu được xếp hạng năm 2016.

Khai khoa họ Đặng ở Cự Đình

Đó là Tiến sĩ Đặng Văn Khải - người để lại dấu ấn đậm nét trong lần làm Phó sứ sang nhà Thanh năm Mậu Tý (1828), tuy nhiên sau chuyến đi sứ ấy, ông bị cách chức vì cho là phạm lỗi.

Là nhà khoa bảng tài năng nhưng có lẽ không gặp thời, cái chết của ông trong chuyến đi chuộc tội đã phần nào nói lên sự bạc bẽo của triều đình đối với vị quan xuất thân khoa bảng.

Theo một số nguồn sử liệu, Đặng Văn Khải (1794 – 1831) người làng Cự Đà, xã Lộng Đình, tổng Đại Từ, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Cự Đình - Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên), thuộc đời thứ 9 của dòng họ khoa bảng họ Đặng thôn Cự Đình.

Theo gia phả họ Đặng thôn Cự Đình, dòng họ Đặng ở đây sống bằng nghề nông nhưng có chí học tập thành danh. Trải 7 đời phấn đấu, đến đời thứ 7 mới có người nổi tiếng khắp vùng về học rộng, tài cao, được mời vào Hội Tư văn, được vua ban tặng tước Phái đình hầu, Trung đẳng phúc thần - Đặng Duy Chiểu (Thiều).

Ngôi nhà thờ do vua cho xây từ thời Lê trung tưng, trùng tu năm Duy Tân 8 (1914) tại địa phương vẫn được hương khói. Năm 2016, tỉnh Hưng Yên đã xếp hạng cho cụm di tích nhà thờ Tổ họ Đặng và đền thờ Phái đình hầu.

Sang đời thứ 9 và thứ 10, dòng họ có 2 người đỗ đại khoa, trong đó nổi bật nhất là Đặng Văn Khải. Trong khoa thi Hội năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 7 (1826), Đặng Văn Khải đỗ Tiến sĩ (Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân). Sau lễ vinh quy bái tổ, ông được vua bổ chức Hàn lâm viện Biên tu.

Trong văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này ghi rõ: Cử nhân năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825), Hội nguyên, người xã Lộng Đình, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Bắc Ninh, sinh năm Giáp Dần, thi đỗ năm 33 tuổi.

Khoa thi này, triều đình lấy 10 người đỗ, trong đó có những người nổi tiếng như Hoàng Tế Mỹ (đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân), Phan Thanh Giản và Vũ Tông Phan (đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân)...

Sau khi thi đỗ 2 năm, Đặng Văn Khải được cử đi sứ sang Trung Quốc vào tháng 11 năm Mậu Tý (1828). Việc này được sách “Đại Nam thực lục” chép: Sai sứ sang nước Thanh (nộp hai lễ cống năm Đinh Hợi và năm Kỷ Sửu).

Lấy Hiệp trấn Hưng Hóa là Nguyễn Trọng Vũ làm Hữu Thị lang Công bộ sung chức Chánh sứ, Lang trung Lại bộ là Nguyễn Đình Tân làm Thiếu thiêm sự Thiêm sự phủ, Viên ngoại lang Lễ bộ là Đặng Văn Khải làm Thái thường tự Thiếu khanh sung Giáp phó sứ và Ất phó sứ.

Chuẩn định rằng ngày sứ bộ đến Bắc Thành, phàm mọi sự cung ứng thì chi tiền công 100 quan, do phủ Hoài Đức sung biện, không bắt dân chịu. Ghi làm lệ.

Bản tấu Đặng Văn Khải, Khâm phái sứ bộ sang nước Thanh tìm mua các loại ngọc quý. Ảnh: Châu bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Bản tấu Đặng Văn Khải, Khâm phái sứ bộ sang nước Thanh tìm mua các loại ngọc quý. Ảnh: Châu bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Nghi vấn ngọc quý biến thành pha lê

Một số nguồn nghiên cứu lịch sử cho biết, trong lần làm Phó sứ sang nhà Thanh (1828), với năng khiếu thơ ca, Đặng Văn Khải đã dâng thơ chúc thọ vua Thanh, được ban thưởng tơ, đoạn, bút nghiên.

Hành trình đi sứ được Đặng Văn Khải ghi chép trong ba tập thơ: Hoa trình lược ký (52 bài), Dương hành thi tập (35 bài), Thận Đình anh ngữ (101 bài).

Châu bản triều Minh Mệnh còn lưu bản Tấu ngày 6 tháng 2 năm Minh Mệnh 11 (1830) của quan Khâm phái trong sứ bộ sang nước Thanh công vụ Đặng Văn Khải về việc chế tạo châu ngọc theo hình mẫu đem về Kinh: Các quan Khâm phái trong sứ bộ sang nước Thanh công vụ Đặng Văn Khải, Nguyễn Trọng Vũ tâu: Ngày 30 tháng 12 năm Minh Mệnh 9 nhận được chiếu hội của bộ Lễ bàn xét về việc đem các loại ngọc bích, ngọc khuê xanh, khuê vàng, bạch ngọc theo khuôn mẫu chế tạo thành các dạng.

Tuân chỉ phát giao nhận lĩnh làm và nguyên đem các loại ngọc trên chế theo khuôn mẫu. Trong đó ngọc bích xanh 1, hoàng tông 1, hoàng khuê 1, thanh khuê 1, bạch ngọc khuê 3. Tất cả 7 chiếc đó loại nào là sản phẩm ngọc có đủ độ cao dày, dài rộng thì xuất ra.

Lần này đi qua các tỉnh hoặc đến Bắc Kinh tùy theo địa phương để ý xem xét tìm kiếm loại ngọc quý không tì vết mới có thể dùng. Lại như đến kỳ về bằng đường thủy nên đem loại ngọc thương hạng chuyển về, kịp thượng tuần tháng 2 tới Kinh để chuẩn bị làm lễ.

Chúng thần đã hội đồng bàn bạc thực hiện. Thiết nghĩ ngọc vốn là loại quý, thể chất vuông dày, to dài ắt theo đúng nguyên hình mẫu chế tạo sợ khó được. Xin đến nước Thanh tìm mua, ví có loại ngọc nào có thể theo hình mẫu chế tạo được, chúng thần không dám để phí.

Nếu không thì dùng ngọc thạch hoặc dự liệu làm cốt được mười phân vẹn toàn. Như đến ngày hẹn khai quan theo lệ dâng nạp, nước đó thường lấy hạn cuối tháng.

Theo quy định vào tuần khắc tháng Giêng quay về. Các khoản bàn nghĩ đã đem phúc trình bộ và bộ đã soạn lục đầu bài cùng đem nguyên tập tư của chúng thần tâu lên chờ chỉ.

Vâng được châu phê: Các khoản đã xin về lý không có phương hại gì. Chúng thần cung kính nghe các lời chỉ ngày đêm hết lòng thực hiện. Qua các tỉnh Ngô Châu, Quế Lâm, Vũ Xương, sức cho các viên tùy hành phỏng theo phương thức chế tạo các đồ bằng ngọc. Trừ từ Yên Kinh đến tỉnh Quế Lâm, mọi công việc cần làm trên đường đi, đều có dâng sớ về sẽ do tỉnh ấy chuyển trước. Vậy dám xin soạn sớ văn tâu về.

Theo ghi chép của Quốc sử quán trong sách “Đại Nam thực lục”: Khi sắp đi, vua dụ rằng: “Ngày đến Yên Kinh nên nói với Lễ bộ nước Thanh rằng nước ta vốn ít nhân sâm, xin cứ chiếu lệ các vật hạng thưởng cấp thì chiết giá mà cấp thay cho bằng nhân sâm Quan Đông, cũng là mua các thứ ngọc thương bích, hoàng tông, hoàng khuê, thanh khuê, khi về phải đi gấp để kịp ngày tế Giao”.

Bọn Vũ đến Yên Kinh, nói với bộ Lễ lại nói là: Vì sự hiếu dưỡng cần phải dùng nhân sâm, làm hại quốc thể, còn những đồ ngọc mua về đều là đồ pha lê cả, mà khi về lại chậm không kịp việc.

Ngoài các ghi chép trên, cho đến nay gần như giới nghiên cứu chưa tìm được bằng chứng nào khác về chuyến đi sứ nhà Thanh của Đặng Văn Khải. Việc mua ngọc lại biến thành pha lê do nguyên nhân gì cũng không được giải thích. Cuối cùng Phó sứ Đặng Văn Khải cùng với những người có chức trách trong đoàn là Nguyễn Trọng Vũ và Nguyễn Đình Tân đều bị cách chức.

Chết vì việc nước, chết ấy vinh

Văn bia đề danh Tiến sĩ năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 7 (1826).

Văn bia đề danh Tiến sĩ năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 7 (1826).

Ngay sau đó, Đặng Văn Khải được cử đi Philippines chuộc tội nhưng do thời tiết không thuận lợi nên vua đổi phái đi về phía Nam đến Indonesia. Sử liệu chép rằng: Sai bọn quyền lĩnh Vệ úy Tả thủy là Đoàn Dũ, Tu soạn Nội các là Đào Trí Phú đi thuyền lớn Uy phượng đến đất Lữ Tống (Philippines) làm việc công.

Vừa gặp quá mùa gió ngược không tiện đi thuyền về phía Đông, vua đổi phái đi về phía Nam đến Giang Lưu Ba (Indonesia). Bọn quan bị cách là Đặng Văn Khải, Nguyễn Đình Tân theo thuyền ra sức. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, Đặng Văn Khải lâm bệnh rồi mất, hưởng dương 38 tuổi, được hỏa thiêu rồi đưa tro cốt về quê nhà.

Năm Tân Mão, tức Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), Đặng Văn Khải được truy thụ Viên ngoại lang bộ Lễ: Khởi phục cho mấy viên bị cách là Nguyễn Trọng Vũ làm Vũ khố Tư vụ, Nguyễn Đình Tân là Nội vụ phủ Tư vụ, Đặng Văn Khải được truy thụ Lễ bộ Viên Ngoại lang.

Ngày tế ông, Tuần phủ phủ Định Tường là Tô Ngọc Giang có câu đối viếng: “Sinh tại khoa danh sinh bất thiểm/ Tử ư quốc sự tử do vinh” (nghĩa là: Sống vì khoa danh, sống không nhục/ Chết vì việc nước, chết ấy vinh).

Theo gia phả họ Đặng thôn Cự Đình, nói về sự học đời thứ 9 không thể không kể đến ông Đặng Văn Kham, đỗ Cử nhân, được vua ban tước Nam. Ông là thân phụ của 1 Phó bảng, 3 Cử nhân và 4 Tú tài. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Đặng Văn Kham 18 tuổi đỗ Tú tài, thi 2 khóa tiếp theo đều đỗ Tú tài.

Năm thứ 12 (Tân Mão 1831) đỗ Cử nhân, ông ra làm quan lập nhiều công được vua thăng chức Án sát với những lời khen tặng: “Đặng Văn Kham vốn là người văn học xuất thân lại quen cả việc võ, năm trước tích cực bắt giặc, ta rất khen Đặng Văn Kham, cho đổi tên là Đặng Kham. Nhân về huyện cung chức, thưởng cho 10 đồng tiền Đại long văn”.

Con trai thứ 3 của cụ Đặng Kham cũng là cháu Tiến sĩ Đặng Văn Khải là Đặng Quỹ ở đời thứ 10, đỗ Cử nhân năm Kiến Phúc thứ nhất (1884). Năm Thành Thái nguyên niên (1889) khoa Kỷ Sửu đỗ Phó bảng, làm đến Đốc học Bắc Kỳ (theo giấy chứng tử có công chứng năm 1918).

Đặng Quỹ không những hay chữ, mà còn giỏi thiên văn, địa lý, tiên đoán nhiều điều khác lạ. Tại nhà thờ Đặng Quỹ còn nhiều di vật quý như bức tranh vẽ chân dung mặc triều phục, bảng sơn son thếp vàng “Ân tứ vinh quy” do vua ban khi đỗ đại khoa.

Trong chuyến đi đến Indonesia, năm 1931 Tiến sĩ Đặng Văn Khải bệnh nặng qua đời. Ảnh minh họa: ITN.

Trong chuyến đi đến Indonesia, năm 1931 Tiến sĩ Đặng Văn Khải bệnh nặng qua đời. Ảnh minh họa: ITN.

Sau đời thứ 10, hậu duệ dòng họ Đặng thôn Cự Đình tiếp tục có nhiều người theo đường học vấn, nhiều người được phong học vị Giáo sư như: GS Đặng Lợi Hàm (phong năm 1926), GS Sử học Đặng Nghiêm Vạn (phong năm 1991), GS.TS - NGND Đặng Hanh Đệ, GS.TS Đặng Hanh Khôi, GS.TS - NGƯT Đặng Hanh Phức, GS Đặng Quý Khoa (phong năm 1989), TS Luật học Đặng Trinh Kỳ, TS Hóa học Đặng Tuấn Phát, GS.TS Đặng Vũ Hoạt, TS Đặng Nghiêm Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đặng Nghiêm Bái tại Vương quốc Anh (1982 - 1985), Canada (1986 - 1991), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đặng Nghiêm Hoành tại Trung Quốc (1989 - 1997).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.