Đại hội lần thứ VIII của Đảng

Đại hội lần thứ VIII của Đảng

(GD&TĐ)-Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đánh dấu cột mốc phát triển mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Đại hội đã tiếp tục công cuộc đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

sfg
ĐH khẳng định:Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, “nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”1.

Nguy cơ chiến tranh thế giới huỷ diệt bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột về dân tộc, sắc tộc và tôn giáo chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng cao, tăng nhanh lực lượng sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, quốc tế hoá nền kinh tế và đời sống xã hội.

Bối cảnh quốc tế nói trên, có ảnh hưởng lớn đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến năm 1996, công cuộc đổi mới đã tiến hành được 10 năm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt. Đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất của đông đảo nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh được củng cố. Đồng thời, thành tựu 10 năm đổi mới đã tạo được nhiều tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nước ta cũng phải đối đầu với nhiều thách thức như: nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế, “diễn biến hoà bình”; tệ quan liêu, tham nhũng; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tình hình thế giới và thực tiễn công cuộc đổi mới đặt ra cho Đảng ta những nhiệm vụ và bước đi mới.

Trong hoàn cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước.

Đại hội khẳng định: Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra đã được hoàn thành cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Đại hội đã rút ra một số bài học chủ yếu. Nhận định đặc điểm tình hình thế giới, thời cơ và thách thức, Đại hội xác định mục tiêu của CNH, HĐH là xây dựng nước ta thành một nước có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trình độ phát triển lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Ra sức phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội đã xây dựng định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu: phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH; chính sách đối với các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nổi lên một số vấn đề lớn như: sự tác động của cơ chế thị trường và hoạt động chống phá của kẻ thù làm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức lối sống, một số thoái hoá biến chất về chính trị; trình độ, kiến thức, năng lực lãnh đạo của Đảng có mặt chưa theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Để làm tốt vai trò lãnh đạo, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình, khắc phục các khuyết điểm, các biểu hiện tiêu cực và yếu kém. Đảng phải mạnh từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành. Trong công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên nắm vững và quán triệt các nhiệm vụ sau: Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân; Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; Kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng, thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chủ trọng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ kế cận; Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Kết quả của Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc và tương lai đất nước vào lúc chúng ta sắp bước vào thế kỷ XXI.

Ngọc Khánh (TL)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ