Kế thừa quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, Đảng đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định quan điểm mới của nền giáo dục nước nhà là: “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”, khác với trước đây là “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”.
Để “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực” đạt hiệu quả cao, chúng ta phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp.
Trên cơ sở xác định đúng, trúng mục tiêu đổi mới giáo dục, đào tạo, công khai mục tiêu, chuẩn đầu vào, đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo, thì việc cần kíp tiếp theo là đổi mới chương trình khung các môn học và nội dung của nó theo hướng phát triển mạnh năng lực và phẩm chất người học, bảo đảm hài hòa đức, trí, thể, mỹ.
Nói một cách khác, yếu tố đầu tiên của quan điểm giáo dục Việt Nam hiện nay là tăng cường và khẳng định yếu tố tiên quyết: yếu tố dạy người.
Hơn thế, quan điểm đổi mới cũng đặt ra cho người quản lý, các khoa, trường sư phạm phải đổi mới cách tuyển chọn nhân sự đào tạo giáo viên, giảng viên theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người giáo viên, giảng viên tương lai.
Rõ ràng, khi mục tiêu giáo dục, đào tạo được thay đổi căn bản, thì bắt buộc chương trình khung, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, đào tạo cũng phải thay đổi cho phù hợp.
Để đổi mới giáo dục thành công, cần có nhiều điều kiện đảm bảo, nhưng từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia đều khẳng định: Đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo trong cả nước là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Rất phấn khởi là trong những năm gần đây, lương của nhà giáo đã có thêm phụ cấp thâm niên, có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà giáo về điều kiện giảng dạy, chỗ ở, học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, những thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, và các cô giáo mầm non…cần tiếp tục được quan tâm và chăm lo nhiều hơn nữa.
Để tôn vinh người Thầy, tôn vinh nghề giáo, ngoài việc Nhà nước cần tiếp tục có chính sách phù hợp cho nghề giáo, một điều quan trọng nữa là mỗi người cần vun đắp, gìn giữ và trân trọng đối với nghề đặc biệt và cao quý này.