Kêu gọi góp vốn
Theo nội dung đơn, ngày 18/2/2009, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước ký hợp đồng cho Công ty TNHH TM XNK Tổng hợp và Dịch vụ Hùng Nhơn (Công ty Hùng Nhơn) thuê hơn 425ha đất trồng rừng tại xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Trước khi chính thức được thuê diện tích đất trên, do không có điều kiện về tài chính, Công ty Hùng Nhơn đã kêu gọi các đối tác cùng liên danh góp vốn đầu tư. Ngày 4/10/2008, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Hùng Nhơn đã ký hợp đồng liên doanh góp vốn đầu tư dự án trồng 40ha cây cao su tại Tiểu khu 391 BQL rừng kinh tế Tân Lập thuộc xã Tân Hòa với ông Phan Minh Anh Ngọc (SN 1951), HKTT tại phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.
Theo nội dung hợp đồng, Công ty Hùng Nhơn chịu trách nhiệm đo đất, cắm cọc bê tông trên thực địa, giao 40ha đất để phía ông Ngọc khai hoang làm đất trồng cao su và tách sổ chuyển quyền sử dụng đất cho ông Ngọc vào cuối năm 2010. Ông Ngọc chịu trách nhiệm góp 560 triệu đồng, có thể chuyển tiền mặt hoặc tự đầu tư vật tư và công sức khai hoang đất rừng, theo chỉ định của Công ty Hùng Nhơn với diện tích khác tương đương 40ha trong tổng số diện tích 425ha mà công ty này đã được thuê.
Ông Ngọc chọn phương án hoàn thành việc khai hoang mảnh đất 40ha với giá trị 560 triệu đồng. Sau đó, Công ty Hùng Nhơn giao 40ha để ông Ngọc trồng cao su và hưởng 100% hoa lợi. Năm 2009 và 2010, ông Ngọc đã trồng 32.000 cây cao su trên diện tích 40ha được giao. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, Công ty Hùng Nhơn vẫn không tách thửa, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng 40ha đất cho ông Ngọc theo thỏa thuận.
Sau thời gian đầu tư, năm 2015 cây cao su bắt đầu cho mủ. Ông Ngọc đã kí hợp đồng giao vườn cao su diện tích 40ha với 32.000 cây cho ông Nguyễn Văn Viễn, trú tại ấp Thuận Hải, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú và ông Tạ Văn Quyn, trú tại phường Tân Phước, TP Đồng Xoài (Bình Phước) quản lý, chăm sóc và khai thác từ ngày 18/10/2015. Ông Viễn và ông Quyn đã đầu tư trang thiết bị, mua sắm vật tư để khai thác. Đồng thời, sẽ phải trả cho ông Ngọc 100 triệu đồng, mỗi năm tiếp theo sẽ phải trả thêm 20%. Từ khi tiếp nhận, mỗi tháng ông Quyn và ông Viễn thu lợi khoảng 300 triệu đồng từ mủ cao su.
|
Kiện ngược đối tác
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Đức Quyn cho biết: Ngày 3/12/2015, khi ông Viễn cùng một số công nhân đang làm tại lô cao su thuê lại của ông Ngọc thì bị một số người do ông Vũ Mạnh Hùng cử đến phá phách, tháo chén mủ cao su và dây kiền trên thân cây, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Viễn đã tố cáo sự việc lên Công an huyện Đồng Phú, nhưng công an lại ra quyết định không khởi tố hành vi hủy hoại tài sản và dùng súng bắn uy hiếp của ông Hùng.
Theo ông Quyn, sau khi dùng vũ lực kiểu “xã hội đen” để chiếm đoạt vườn cao su không được. Ngày 21/12/2015, ông Hùng gửi đơn khởi kiện ông Ngọc và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến TAND huyện Đồng Phú. Trong đơn ông Hùng cho rằng, năm 2009 khi thuê 425ha, trên đất đã có cây cao su, Công ty Hùng Nhơn quản lý, sử dụng và khai thác từ đó đến nay.
Căn cứ vào nội dung ông Hùng nêu, ngày 23/12/2015 TAND huyện Đồng Phú đã thụ lý vụ án “Tranh chấp tài sản gắn liền với đất” giữa ông Hùng với ông Ngọc. Sau khi có thông báo của Tòa án, ông Ngọc, Quyn, Viễn đã có tờ trình bày ý kiến, nhưng ngày 31/12/2015, Thẩm phán Nguyễn Nguyên Hoàng ra Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 05/2015/QĐ-BPKCTT sau đó được thay thế bằng Quyết định số 01/2017/QĐ-BPKCTT ngày 21/2/2017, “Phong tỏa tài sản là cây cao su gồm 29.000 cây trồng năm 2009 và 3.000 cây trồng năm 2010 được trồng trên diện tích hơn 40ha.
Tạm giao cho Công ty Hùng Nhơn bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch và bán mủ cao su… nhưng không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, tặng cho hoặc các hành vi nào khác làm thay đổi tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất”.
Quyết định của Sở TN&MT có đúng?
Cũng theo ông Quyn, do không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hùng Nhơn và công ty này cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh vườn cây cao su do họ trồng nên ngày 19/12/2017, TAND huyện Đồng Phú đã ra Quyết định số 34/QĐST-DS về việc đình chỉ vụ án và Quyết định hủy bỏ BPKCTT số 01/2017/QĐ-BPKCTT đã ban hành trước đó.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Quyn bức xúc: “Đáng lý, sau khi vụ án được đình chỉ và BPKCTT được hủy bỏ, chúng tôi phải được trả lại mặt bằng đất cũng như cây cao su và các tài sản khác trên diện tích 40ha. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đồng Phú lại giao cho Công ty Hùng Nhơn quản lý, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bán mủ cao su, đó là nghịch lý”.
Cũng theo ông Quyn, nghịch lý trên xuất phát từ văn bản trái pháp luật của ông Nguyễn Phú Quới - Nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Phước. “Việc chúng tôi không được trả lại 32.000 cây cao su và 40ha đất là do trong khi chưa có phán quyết của Tòa án thì ông Quới đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-STNMT ngày 30/3/2016 về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất cũ cấp đổi GCNQSD đất, bổ sung “tài sản gắn liền với đất” công nhận 32.000 cây cao su là của Công ty Hùng Nhơn”.
“Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Bộ TN&MT cũng như các cơ quan chức năng sớm xem xét để Công ty Hùng Nhơn trả lại tài sản và mặt bằng cho chúng tôi. Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra lại việc thuê 425ha đất rừng của Công ty Hùng Nhơn”, ông Quyn bày tỏ.