Đại học Trung Quốc tiến gần tới tốp 10 thế giới

GD&TĐ - Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, lần lượt xếp vị trí 12 và 14 trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024.

Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, xếp vị trí 12 trong bảng xếp hạng THE năm 2024.
Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, xếp vị trí 12 trong bảng xếp hạng THE năm 2024.

Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, lần lượt xếp vị trí 12 và 14 trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024. Các trường đang tiệm cận top 10, vốn thuộc về các đại diện của Anh và Mỹ.

Ngày 27/9, tổ chức giáo dục Times Higher Education (THE) công bố Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024. Danh sách 10 trường đại học tốt nhất thế giới không có nhiều thay đổi như Đại học Oxford (Anh) vẫn giữ vị trí số một còn Mỹ có 7/10 cơ sở giáo dục trong tốp 10.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là các trường đại học Trung Quốc đang tiến gần hơn đến top 10. Cụ thể, Đại học Thanh Hoa xếp thứ 12, tăng 4 bậc so với năm ngoái. Còn Đại học Bắc Kinh tăng 3 bậc để lên vị trí thứ 14.

Ngoài ra, Trung Quốc có 13 trường đại học nằm trong top 200, tăng 7 trường so với năm 2020. Mỗi trường đều tăng thứ hạng đáng kể so với các bảng xếp hạng trước đó.

Ông Denis Simon, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ, cho biết, câu hỏi chưa bao giờ là “liệu các trường đại học Trung Quốc có lọt top 10 hay không” mà là “khi nào”. Góp phần vào sự thăng hạng của các đại diện đến từ Trung Quốc là nhờ vào hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.

GS Ming Cheng, Viện Giáo dục Sheffield, Đại học Sheffield Hallam, Anh, lưu ý mặc dù Mỹ và Anh vẫn sở hữu những trường đại học hàng đầu thế giới nhưng sức mạnh đang suy yếu. Bằng chứng là nếu tính trong top 400, Trung Quốc có 30 đại diện, tăng gấp đôi so với năm 2021. Còn các đại diện đến từ Mỹ và Anh liên tục giảm 3 – 4 trường.

Xu hướng này cũng cho thấy sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế tri thức từ Tây sang Đông. Kết quả của bảng xếp hạng cũng thúc đẩy sự gia tăng sinh viên quốc tế học tập tại Trung Quốc trong tương lai. “Các trường đại học Mỹ và Anh có thể cân nhắc học hỏi những kinh nghiệm hay từ Trung Quốc và trân trọng khác biệt văn hóa, tư tưởng nhiều hơn”, bà Ming Cheng nhìn nhận.

Theo bà Ming, thành tích của Trung Quốc có thể là do các trường đại học ngày càng quan tâm đến dữ liệu xếp hạng, nhận được nguồn tài trợ hào phóng từ chính phủ. Họ cũng chú trọng đến quốc tế hoá, cải cách giáo dục và đổi mới nghiên cứu.

Tuy nhiên, các học giả cũng cảnh báo một số khó khăn mà lĩnh vực giáo dục đại học Trung Quốc phải đối mặt. Theo ông Denis Simon, chất lượng giáo dục của các trường Trung Quốc ngoài tốp 25 giảm sút rõ rệt, không như Mỹ, nơi sinh viên được thụ hưởng chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới trong khoảng 100 trường.

“Trung Quốc phải thận trọng để không tạo ra hệ thống giáo dục phân nhánh, trong đó chỉ có một vài trường đại học ưu tú và phần lớn còn lại là trường tầm trung. Nước này nên đầu tư vào các ngành học, cơ sở hạ tầng, thư viện trên diện rộng để thu hẹp sự chênh lệch hiện nay”, ông Simon cho hay.

Còn một số học giả khác cho rằng chất lượng giáo dục đại học ở Trung Quốc có khả năng suy yếu khi người trẻ chuyển trọng tâm từ giáo dục đại học sang giáo dục sau đại học. Bằng chứng là với tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên cao như hiện nay, rất đông người trẻ Trung Quốc sau khi tốt nghiệp chọn học lên cao học, thay vì tìm việc làm.

Các trường đại học Trung Quốc đã tăng điểm số trung bình về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Đáng chú ý, ở tiêu chí nghiên cứu khoa học, chiếm trọng số cao nhất của các bảng xếp hạng, điểm trung bình của các đại học Trung Quốc đã tăng 12% so với năm 2021.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ